Mỹ - Hàn tập trận: Bán đảo Triều Tiên lại nổi sóng
Cuộc tập trận diễn ra sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo hôm 12/2 vừa qua trong khi Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Tàu sân bay USS Carl Vinson sẽ tham gia cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn mang tên "Đại bàng non" năm nay. Ảnh: NBC San Diego. |
Hãng Thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, đây là cuộc tập trận thực địa với sự tham gia của các lực lượng hải quân, lục quân và không quân, dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 4 tới. Ngoài ra, hai nước cũng có kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận khác mang tên “Giải pháp then chốt” thực hiện trên máy tính tại các sở chỉ huy với các tình huống giả định, bắt đầu từ ngày 13/3.
Theo các nguồn tin, Mỹ dự định đưa nhiều loại vũ khí chiến lược như tàu sân bay USS Carl Vinson, máy bay chiến đấu F-35 cùng máy bay ném bom B-1B và B-52 tham gia cuộc tập trận, nhằm đưa ra một thông điệp cứng rắn đối với các hành động gần đây của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và Mỹ hôm qua cũng có cuộc điện đàm, nhằm thảo luận tình hình an ninh cũng như các vụ phóng tên lửa mới đây của Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đảm bảo với Hàn Quốc rằng, Mỹ và các đồng minh sẽ đánh bại bất cứ vụ tấn công nào.
Triều Tiên hiện chưa đưa ra phản ứng với các cuộc tập trận Mỹ - Hàn. Tuy nhiên, nước này trước đó luôn cho rằng, các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là bước tổng duyệt cho một cuộc xâm lược Triều Tiên.
Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên sáng nay đưa tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đi thị sát trụ sở các đơn vị quân đội và yêu cầu tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên và Hàn Quốc đang liên tiếp có những chỉ trích lẫn nhau liên quan đến cái chết của một người đàn ông mang hộ chiếu Triều Tiên có tên là Kim Chol tại sân bay quốc tế ở Malaysia, hôm 13/2 vừa qua.
Hàn Quốc hôm qua kêu gọi loại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên ra khỏi Liên hợp quốc. Triều Tiên ngay lập tức phản đối những tuyên bố này.
Phát biểu bên lề Hội thảo về giải trừ quân bị của Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 28/2, nhà ngoại giao Triều Tiên Ju Yong Choi nhấn mạnh: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ các tuyên bố vô trách nhiệm và vô lí của Hàn Quốc. Tuyên bố của họ thể hiện ý định của Hàn Quốc muốn thu hút dư luận quốc tế và ủng hộ chiến dịch chính trị nhằm vào Triều Tiên, bằng việc kéo các bên liên quan vào các cuộc tranh luận vô căn cứ”.
Điều mà dư luận lo ngại hiện nay là Trung Quốc- vốn được cho là nhân tố có thể giúp giảm nhiệt những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cũng đang lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc Mỹ và Hàn Quốc triển khai THAAD.
Trong tháng này, Trung Quốc tuyên bố dừng nhập khẩu than đá từ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Đây được coi là nỗ lực của Trung Quốc thực hiện các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc, nhằm gia tăng sức ép lên Triều Tiên.
Tuy nhiên, với việc Hàn Quốc và Mỹ đang đẩy nhanh hoạt động triển khai THAAD, có thể khiến Trung Quốc thay đổi lập trường.
Ngày 28/2, Hàn Quốc đã chính thức ký một thỏa thuận đổi đất với Tập đoàn Lotte để triển khai hệ thống trên sân golf của Tập đoàn này.
Trung Quốc lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc triển khai hệ thông này và cho biết sẽ đưa ra các biện pháp cần thiết để đảm bảo lợi ích an ninh của nước này.
Người phát ngôn Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết: “Chúng tôi mạnh mẽ hối thúc các bên liên quan đến tính đến lợi ích và mối lo ngại của Trung Quốc, dừng triển khai THAAD, tránh đi theo định hướng sai lầm. Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối tại Hàn Quốc”.
Một quan chức Hàn Quốc tuần trước cho biết, hoạt động triển khai hệ thống THAAD có thể hoàn thành vào tháng 8 tới.
Truyền thông Trung Quốc trước đó cũng cảnh báo, Tập đoàn Lotte sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng, nếu cho phép chính phủ Hàn Quốc triển khai hệ thống phòng thủ trên sân gôn của Tập đoàn này./.