Muốn giữ rừng phải từ gốc
Một số lượng lớn gỗ bị khai thác trái phép tại xóm Cúc Lùng, xã Phú Đô, Phú Lương, Thái Nguyên |
Sau khi sự việc khai thác gỗ trái phép xảy ra tại xóm Cúc Lùng bị phát hiện, UBND xã Phú Đô đã cử cán bộ phụ trách lâm nghiệp và kiểm lâm viên địa bàn đến hiện trường lập biên bản hiện trạng ban đầu xác định tiểu khu, lô khoảnh, diện tích rừng bị khai thác để phục vụ cho công tác xác minh làm rõ. Bước đầu xác định, diện tích rừng tự nhiên tái sinh bị khai thác trái phép khoảng 0,5 ha trong tổng số hơn 0,7 ha được nhà nước giao cho ông Hoàng Văn Vượng, xóm Cúc Lùng, xã Phú Đô quản lý. Một phần số gỗ bị chặt hạ đã được chuyển đi cất giấu ở nơi khác. Trong tổng số 52 gốc cây bị chặt hạ ước tính khối lượng gỗ đã bị khái thác trái phép khoảng trên 4,3 mét khối.
Ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô, Phú Lương, Thái Nguyên cho biết trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương: "Chúng tôi cũng nhận thấy trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền vận động nhân dân. Tuy nhiên khi tuyên truyền việc bảo vệ rừng, bám nắm địa bàn thì có người dân hiểu, nhưng cũng có một bộ phận người dân vẫn hành động theo kiểu: tôi có rừng thì tôi phát"
Trao đổi với PV, Ông Nguyễn Đức Tú, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương, Thái Nguyên nhấn mạnh: "Ngay từ khi nhận được thông tin chúng tôi đã có quan điểm xử lý hết sức rõ ràng, đồng chí kiểm lâm địa bàn đã không bám sát địa bàn, không tham mưu kịp thời cho UBND xã và lãnh đạo đơn vị để có hướng xử lý ngay từ ban đầu, ngăn chặn tình trạng này. Đây là trách nhiệm rất lớn"
Ngay sau khi vụ việc được báo cáo, UBND huyện Phú Lương và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên đã khẩn trương vào cuộc chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương khẩn trương thiết lập hồ sơ đồng thời tiếp tục phối hợp với chính quyền xã Phú Đô tiến hành xác minh, làm rõ trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ rừng của từng tổ chức, cá nhân có liên quan.
Một cây gỗ lớn bị chặt hạ trái phép |
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, Thái Nguyên cho biết: "UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm và UBND xã Phú Đô tiến hành xác minh, kiểm tra lại hiện trường và thu giữ số gỗ công dân đã khai thác giao cho Hạt Kiểm lâm. Phòng Tư pháp, UBND xã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi của ông Hoàng Văn Vượng và nghiêm túc chỉ đạo UBND xã Phú đô tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm sau vụ việc này. Đồng thời giao cho Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức kiểm điểm đối với Kiểm lâm viên phụ trách xã Phú đô thực hiện nghiêm theo đúng quy định"
Ông Trần Minh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết hướng chỉ đạo của Chi cục để làm rõ vụ việc: "Ngay sau khi Chi cục Kiểm lâm nhận được thông tin của cơ quan báo chí phản ánh, chúng tôi đã ban hành văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lương thực hiện ngay một số nội dung. Thứ nhất, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền, chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra xác minh làm rõ thông tin và lập hồ sơ xử lý vụ việc vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Thứ hai chúng tôi yêu cầu cán bộ kiểm lâm địa bàn báo cáo giải trình làm rõ vụ việc từ khi tiếp nhận thông tin đến quá trình lập hồ sơ, đồng thời quy trình thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao"
Từ vụ việc xảy ra tại xóm Cúc Lùng, xã Phú Đô cho thấy, mặc dù trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng đã được phân cấp, quy định rõ trách nhiệm từ chủ rừng, tổ quản lý bảo vệ rừng cơ sở, kiểm lâm địa bàn cho đến trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhưng thực tế việc vận hành và cơ chế hoạt động phối hợp của lực lượng này đã không phát huy được hiệu quả.
Muốn giữ rừng phải từ gốc |
Ông Trần Minh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên nhận định: "Qua vụ việc này thì chúng tôi nhận thấy các lực lượng tại cơ sở từ tổ quần chúng bảo vệ rừng, đến chính quyền địa phương cũng chưa làm tròn trách nhiệm, nếu như kịp thời phát hiện ngay thì mức độ vi phạm sẽ không quá lớn"
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, Thái Nguyên: "Chúng tôi cũng đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác truyền thông, tập trung chỉ đạo nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng. Chúng tôi cũng chỉ đạo các địa phương rà soát kỹ, quản lý đảm bảo được hiệu quả hơn"
Ông Trần Minh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết một số giải pháp quản lý bảo vệ rừng thời gian tới: "Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật đến các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các chủ rừng. Thứ hai, chúng tôi chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn thực hiện tốt công tác tham mưu cho chính quyền địa phương để chính quyền địa phương nhận thấy trách nhiệm, vào cuộc chỉ đạo các ban ngành thực hiện ngay việc quản lý bảo vệ rừng tại cơ sở"
Trước những hệ lụy của tình trạng phá rừng tự nhiên, gây thiệt hại lớn đến nguồn sinh thủy, tài nguyên của đất nước, là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng do lũ lụt, thiên tai. Chỉ thị số 05 ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Hạt Kiểm lâm Phú Lương khẳng định sẽ chỉ đạo quyết liệt vụ việc này, xem xét và đề nghị xử lý trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan nhằm tiếp tục siết chặt kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, qua đó củng cố, tăng cường trách nhiệm công tác quản lý và bảo vệ rừng ngay từ cơ sở./.