Mạnh dạn làm giàu trên vùng đất “5 không” tại Đăk Lăk
Thôn Bình Lợi, xã Cư Mlan, huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk từng được biết đến là “thôn 5 không” với không điện, đường, trường, trạm và hộ khẩu. Nhưng nhờ theo kịp xu hướng đổi mới mạnh mẽ của các vùng nông nghiệp - nông thôn trong huyện, trong tỉnh, Bình Lợi đã chuyển đổi thành công từ trồng cây lương thực ngắn ngày sang các cây công nghiệp dài ngày, giá trị kinh tế cao.
Không dừng lại ở thoát nghèo, nhiều hộ trong thôn trở thành triệu phú, làm thay đổi hẳn diện mạo của vùng đất xưa gian khó.
Người dân Bình Lợi giờ đã đủ sức đầu tư trồng cây công nghiệp giá trị kinh tế cao. |
Trên diện tích hơn 3 ha đất, trồng 5.000 trụ tiêu, mỗi năm thu nhập gần nửa tỷ đồng, anh Bế Văn Long, (dân tộc Nùng, sinh năm 1985) ở thôn Bình Lợi, xã Cư Mlan, huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk phấn khởi.
Nhớ lại những ngày đầu đưa gia đình vào vùng đất mới lập nghiệp, anh Long cho biết, gia đình anh là một trong những hộ đầu tiên di cư vào lập nghiệp tại đây. Khi đó mảnh đất này vẫn còn là những cánh rừng hoang vu chỉ có lác đác vài căn chòi dựng lên tạm bợ. Cuộc sống rất khó khăn vất vả, đói kém bệnh tật hoành hành, người dân chỉ biết bám đất rừng mà sống.
Giờ đây, không chỉ có được cuộc sống ổn định, được sự quan tâm của các cấp ngành, bản thân anh và gia đình tích cực làm ăn, học hỏi để vươn lên nên đã có được cơ ngơi khang trang, cuộc sống đỡ vất vả hơn.
“Ngày mới lên thấy trong rừng có cây trụ tiêu chết khô, mình cắt về trồng và làm dần lên, mỗi năm làm 200-300 và tăng dần lên. Hiện tại, gia đình đã có khoảng 5.000 trụ tiêu nhưng thực cho thu hoạch khoảng 2.500 trụ. Tổng thu nhập sau khi trừ chi phí hết thì cũng khoảng 400-500 triệu/năm. Cuộc sống giờ đã đỡ vất vả hơn, có của ăn của để hơn so với trước”, anh Long tâm sự.
Cũng như anh Long, gia đình anh Hoàng Văn Nghĩa, dân tộc Tày, ở thôn Bình Lợi, xã Cư Mlan cũng được xem là “triệu phú” ở địa phương. Nhờ tích cực học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc hơn 3.800 trụ tiêu, trong đó có 2.000 trụ cho thu hoạch ổn định, anh Nghĩa thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, anh Nghĩa còn tự cắt và ươm tiêu giống để bán bán lại cho các nông hộ khác ở trong vùng, đồng thời nhiệt tình tư vấn cho người dân cách trồng và chăm sóc cây tiêu để đạt hiệu quả cao nhất.
“Từ năm 2009 tôi đầu tư vào cây tiêu đến nay gia đình cũng đã có mức thu nhập ổn định, tiêu cho thu hoạch bình quân 5-6kg/cây, sản lượng thu được từ 4-5 tấn/năm, trừ chi phí cũng thu nhập 400-500 triệu/năm”, anh Nghĩa cho hay.
Thấy nhiều hộ dân đi trước đã có được cuộc sống ổn định trên vùng đất mới, anh Triệu Văn Nam, dân tộc Dao cũng rời quê đưa gia đình đến thôn Bình Lợi, xã Cư Mlan để lập nghiệp.
Tuy vào sau nhưng ham học hỏi, tích lũy kinh nghiệm của các hộ khác đi trước nên sau hơn 5 năm trồng và chăm sóc, đến nay, vườn tiêu hơn 1 ha của gia đình anh Nam cũng bắt đầu đi vào thu hoạch ổn định. Dù còn khó khăn nhưng anh Nam cho biết, anh luôn động viên gia đình và bà con tích cực sản xuất, làm ăn để xây dựng vùng đất mình đang sống ngày càng ổn định hơn.
“Từ 2011 khi lên đây, gia đình đầu tư vốn mua đất với bà con lên đây trước, sau đó tự tay trồng tiêu đến nay cũng đến năm thứ 5 và đã cho thu nhập khá. Gia đình đang phấn đấu, cùng bà con nơi đây làm kinh tế mạnh lên, đời sống tăng phần ổn định”, anh Nam tâm sự.
Từ một thôn được biết đến với “5 không”, đến nay diện mạo thôn Bình Lợi, xã Cư Mlan, huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk đã có có bước chuyển mình. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp ngành và tổ chức xã hội đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ, đầu tư xây dựng phát triển nhiều hạng mục cơ sở hạ tầng, điện lưới tại địa phương.
Cùng với đó, những người nông dân cũng tích cực học tập các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tham gia lao động sản xuất, làm giàu cho gia đình, góp phần vào sự phát triển ở vùng đất biên cương còn nhiều khó khăn này./.