Liệu một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 có “chữa lành” nước Anh chia rẽ?
Ngày 16/12, Bộ trưởng Giáo dục Anh Damian Hinds khẳng định, chính phủ nước này không có kế hoạch tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về kế hoạch Brexit.
Ông cũng đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng các bộ trưởng Anh đang xem xét tổ chức một cuộc trưng cầu như vậy để phá vỡ thế bế tắc hiện nay xung quanh vấn đề Brexit.
Bộ trưởng Giáo dục Anh Damian Hinds khẳng định, chính phủ nước này không có kế hoạch tiến hành cuộc trưng cầu ý dân lần 2 về kế hoạch Brexit. Ảnh: Reuters |
Trả lời phỏng vấn báo giới, ông Damian Hinds khẳng định, cuộc trưng cầu thứ hai sẽ gây chia rẽ. Nước Anh đã có lá phiếu của người dân và giờ đây là lúc cần tiếp tục thực hiện điều đó. Ông Damian Hinds mô tả thỏa thuận rời EU của Thủ tướng Anh Theresa May là một văn kiện "cân bằng" mà các nghị sỹ cần ủng hộ.
Cùng ngày, Bộ trưởng thương mại Anh Liam Fox cũng nhấn mạnh, việc trưng cầu ý dân lần 2 về Brexit là một sai lầm và chính phủ đang đàm phán với Liên minh châu Âu để đảm bảo "đảm bảo" thỏa thuận Brexit sẽ được thông qua tại Quốc hội Anh:
“Mọi người đều nghĩ rằng, cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 sẽ chữa lành sự chia rẽ trong nước. Nhưng điều này là sai lầm. Nó thậm chí còn gây sự chia rẽ lớn hơn. Tôi nghĩ là chúng ta có 2 nhiệm vụ, đó là phải hoàn thành nốt thủ tục Brexit và thứ hai là phải ngăn chặn những ý tưởng khủng khiếp của Công Đảng Anh”.
Những tuyên bố này được đưa ra sau khi truyền thông Anh hôm qua dẫn các nguồn tin Chính phủ cho biết, các đồng minh thân cận của Thủ tướng Anh Theresa May trong đảng Bảo thủ đang bí mật chuẩn bị một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit. Theo những nguồn tin này, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh, thành viên đảng Bảo thủ David Lidington đã có buổi làm việc với các thành viên Công đảng, cố gắng thành lập một liên minh liên đảng nhằm tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới.
Bộ trưởng Lidington và những người ủng hộ ông lên kế hoạch cho các cử tri lựa chọn với thỏa thuận được Thủ tướng Theresa May đàm phán với phương án Brexit "không thỏa thuận". Tuy nhiên, các quan chức dự kiến Hạ viện Anh sẽ sửa đổi hiến pháp về trưng cầu ý dân để có thể cho thêm vào phiếu bầu khả năng ở lại EU.
Ý tưởng này được cho là nhận được sự ủng hộ của một số Bộ trưởng trong nội các, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond, Bộ trưởng Việc làm và Hưu trí Amber Rudd, Bộ trưởng Tư pháp David Gauke và Bộ trưởng Thương mại, năng lượng và chiến lược công nghiệp Greg Clark, Bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland Karen Bradley và Bộ trưởng phụ trách Scotland David Mundell.
Theo một số phương tiện truyền thông, sau cuộc hội thoại mới đây với Thủ tướng Theresa May, cựu Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng, bà Theresa May phản đối cuộc trưng cầu ý dân thứ hai, song sẽ ủng hộ cuộc bỏ phiếu này nếu được Quốc hội Anh thông qua.
Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019, theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon và luật pháp của Anh. Nếu đến ngày đó không có thỏa thuận nào đạt được và hai bên không kéo dài thêm thời hạn, Anh sẽ trở thành quốc gia ngoài EU mà không có bất kỳ giai đoạn chuyển tiếp nào. Theo kịch bản này thì ngay sau ngày 29/3/2019, Anh sẽ mất quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu và không còn tên trong các hiệp định thương mại của EU với các quốc gia khác.
Nhưng có lẽ, mối lo lớn nhất của EU khi Anh rời đi mà không có thỏa thuận chính là vấn đề biên giới. Hơn 3 triệu công dân EU sống ở Anh, trong khi hơn 1 triệu người Anh sống ở EU. Với quyền tự do di chuyển trong liên minh, công dân Anh và EU có thể di chuyển vào và ra khỏi quốc gia của họ. Một chính sách bảo đảm được tạo ra nhằm tránh biên giới cứng cho Ireland, nhưng bị giới phê bình chỉ trích là điều khoản này có thể trói buộc lâu dài Anh với những quy tắc EU./.