Lao động chui ở Trung Quốc: “Ớn lạnh” nơi xứ người
Vì miếng cơm manh áo
Theo ghi nhận của PV, sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu, có rất nhiều người dân ở Thanh Hóa lại khăn gói lên đường vượt biên trái phép qua TQ làm “chui”. Nhiều người cho biết dù đó là hành vi sai trái nhưng vì miếng cơm manh áo nên họ vẫn liều mình qua xứ người mưu sinh. Cũng giống như những năm trước, các địa phương vượt biên qua TQ vẫn tập trung nhiều ở các huyện ven biển của Thanh Hóa như: Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Hậu Lộc…
Vì miếng cơm manh áo mà nhiều người bất chấp cả tính mạng để sang xứ người trái phép làm thuê |
Anh Vũ Văn Ng. (ngụ xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, anh từng có 2 năm sang TQ làm thuê, do có kinh nghiệm về may mặc nên qua bên đó anh kiếm được việc tại một xưởng may ở tỉnh Quảng Tây. Theo anh Ng., công việc cũng không vất vả lắm, mỗi tháng anh kiếm được khoảng 12 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với làm công việc tương tự ở quê. Ở xứ người anh Ng. tự phó mặc số phận cho may rủi vì không được ai bảo vệ quyền lợi, ăn uống thì kham khổ, sinh hoạt luôn ở trong nhà, ít khi được ra ngoài.
“Tôi làm cho ông chủ đầu tiên được 5 tháng thì mới biết được chiêu trò của họ khi lương họ chỉ trả từ tháng thứ 3 trở đi, 2 tháng đầu bị giữ lại vì sợ mình bỏ trốn. Tưởng công việc trót lọt, làm gần xong tháng thứ 6, cơ sở của tôi bất ngờ bị cảnh sát TQ ập đến truy quét, tôi may mắn thoát được. Mấy ngày sau tôi quay lại xưởng may gặp ông chủ để tiếp tục làm việc thì họ đuổi thẳng cổ, nói tôi tự ý bỏ việc và quỵt luôn 4 tháng lương. Tôi làm căng họ dọa gọi cảnh sát nên đành chịu” – anh Ng. kể lại.
Bị quỵt lương, chưa biết đi đâu về đâu vì tiền không có, về nước cũng không được. May mắn tôi gặp được một người ở huyện Quảng Xương rồi người này đưa tôi về chỗ anh ấy đang làm thợ rèn xin cho tôi làm cùng. Tại chỗ làm mới, công việc rất nặng nhọc nhưng được cái ông chủ rất tốt, trả lương đều đặn.
“Đến gần Tết năm 2015, nhà nước TQ có một đợt truy quét lao động trái phép, tôi bị công an TQ bắt giữ, họ cho đi lao động khổ sai 20 ngày rồi trục xuất tôi qua biên giới. Trở về quê hương được 2 năm nhưng tôi vẫn “ớn lạnh” khi nhớ lại những ngày tháng bên đó, lương có thể cao thật nhưng chẳng biết sống chết thế nào” – anh Ng. nói.
Chiếc xe đưa người sang Trung Quốc bị công an Thanh Hóa bắt giữ |
Cũng vượt biên qua TQ làm “chui”, nhưng với anh Đới Văn Khánh (ngụ huyện Quảng Xương) là những ngày tháng kinh hoàng. Nghe bạn bè rủ rê, ăn Tết xong anh Khánh bỏ 3,5 triệu đồng để làm thủ tục qua TQ. Sau khi đến Móng Cái (Quảng Ninh) anh được đưa lên thuyền, sau đó đi ô tô khoảng nửa ngày đường thì đến chỗ làm việc, sau này anh chỉ nhớ đó là tỉnh Quảng Đông. Anh Khánh kể mình được đưa đến một nông trại chuyên trồng và thu hoạch ớt, ở đó cũng có nhiều người Việt.
“Nhưng vừa mới làm được 1 tuần, chúng tôi bị một nhóm người ập đến bắt bớ, ai chống sẽ bị đánh đập. Họ ném chúng tôi lên xe thùng chở đến một địa điểm tập kết mà có rất nhiều người ở các nước khác nhau. Tại đây, tôi gặp được người Hà Tĩnh, nghe anh này nói chúng tôi sắp được đưa đi khai thác mỏ gì đó. Đến lúc này, tôi thấy rất lo sợ, không biết rồi mình sẽ đi về đâu. Phúc tôi còn lớn, nên 1 tuần sau, nơi chúng tôi đang bị nhốt công an TQ mở đợt truy quét và tôi may mắn được trục xuất về nước. Về nhà kể chuyện, vợ tôi chỉ biết ngồi khóc và cấm tôi không bao giờ sang bên đó nữa” – anh Khánh nhớ lại.
Hàng chục người bỏ mạng
Sang TQ làm “chui” thu nhập có cao, nhiều người đã gửi được tiền về cho vợ con trang trải cuộc sống, nhưng số phận của người lao động luôn gặp rủi ro, đã có hàng chục người ở Thanh Hóa phải bỏ mạng ở xứ người, họ chết mà không rõ lý do, chết mà không có tiền để đưa xác về quê chôn cất.
Thượng tá Nguyễn Văn Sáng, Phó trưởng Phòng PA61 – Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, tổng số người xuất cảnh trái phép qua TQ từ trước đến nay ở tỉnh này lên đến 13.639 người, số người hiện còn ở lại lao động trong năm 2016 là 4.266 người.
“Trước đây số người sang TQ tập trung chủ yếu ở một huyện ven biển nhưng hiện nay đã xuất hiện ở tất cả các huyện trong tỉnh. Trong năm 2016, chúng tôi đã vận dụng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ để xử lý, ngăn chặn nên số người sang TQ đã giảm hẳn. Tuy nhiên vẫn còn khoảng 2-3 nghìn người đang ở lại TQ lao động bất hợp pháp” – Trung tá Sáng nói.
Ông Sáng đã dẫn chứng và đưa ra con số đáng báo động về tình trạng người Việt bị bắt bớ, trục xuất về nước, bị mất tích và chết khi làm “chui” bên TQ. Theo đó, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 26 người bỏ mạng, nhiều người mất tích, biệt tích (vì đi nhiều năm không có hồi âm), có 23 người bị TQ đưa ra xét xử, gần 2.300 người bị phía TQ bắt giam, khai thác rồi trục xuất về nước.
Cụ thể, năm 2016, tại Sầm Sơn có 1 lao động phải bỏ mạng bên Trung Quốc do tai nạn lao động, đó là nạn nhân Nguyễn Hữu Sơn (SN 1990, phường Trung Sơn). Hay sự việc 3 ngư dân của huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) bỏ mạng trên biển khi đi làm “chui” trên tàu cá TQ năm 2012.
Do cuộc sống khó khăn, nghề đi biển trong nước bấp bênh, nên anh Nguyễn Văn Đông, Phạm Văn Mùi và Bùi Văn Đại (cùng SN 1979, ngụ huyện Hậu Lộc), đã rủ nhau qua TQ làm thuê. Giữa năm 2011, những người này qua cửa khẩu Móng Cái, sau đó lên tàu đi đánh bắt cá cho tàu TQ.
Đến ngày 31/1/2012, chuyến đi biển định mệnh đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng của 3 công dân Thanh Hóa trên con tàu TQ xấu số. Theo đó, vào ngày 2/2/2012, khi 14 lao động, đang đánh cá trên biển bất ngờ sóng to, gió lớn ập đến nhấn chìm con tàu cùng 14 người. Có 4 người may mắn được 1 tàu cá TQ cứu sống, 10 người còn lại đã bỏ mạng giữa biển khơi, trong đó có 3 người đàn ông xấu số trên.