Lan tỏa giá trị của tiếng Việt
Ngày 8/9 hằng năm được chọn là Ngày tôn vinh tiếng Việt

Tiến sỹ tâm lý học Cù Thu Hương, hiện đang sinh sống và làm việc tại Pháp. Bà cũng là tác giả của cuốn sách Paris+14" viết về đại dịch COVID-19 tại Pháp và những ngày giãn cách ở Việt Nam. Niềm tôn vinh và tự hào dân tộc đã khiến bà luôn nhận thức rằng cần gìn giữ và phát huy giá trị của tiếng Việt.

Bà Cù Thu Hương, người Việt sinh sống tại Pháp cho biết: "Ở Pháp có rất nhiều phụ huynh mở ra những nhóm để hàng tuần đưa các con đến để học và hát tiếng Việt".

Cũng giống như chị Hương, đối với cộng đồng hơn 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thì Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ là cơ hội giúp cộng đồng người Việt ở nước ngoài bảo tồn được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc.

Ông Nguyễn Thiêm, người Việt sinh sống tại Đức cho biết: "Tôi rất phấn khởi và rất mong muốn chương trình dạy tiếng Việt cho những người con sống xa quê hương được triển khai. Thông qua đó, sẽ góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của tiếng Việt, giúp họ hiểu thêm về quê hương đất nước mình."

Chị Nông Thị Yên, người Việt sinh sống tại Trung Quốc cho biết: "Những người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài như tôi luôn có ý thức gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt hơn nhằm tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt không chỉ ỏ trong cộng động người Việt ở nước ngoài nói riêng mà còn lan tỏa tiếng Việt cũng như giới thiệu đất nước, con người Việt Nam đến các nước khác."

Việc ngày tôn vinh tiếng Việt được tổ chức không chỉ thể hiện quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước trong việc gắn kết kiều bào với khối đại đoàn kết dân tộc, mà đây cũng chính là cách làm để đẩy mạnh hơn nữa quá trình ngoại giao văn hóa, ngôn ngữ trong việc dạy và học tiếng Việt đối cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng. Tiến sỹ Yamaoka Sho, là giảng viên Đại học Kyôto Nhật Bản hiện đang phối hợp cùng nhóm nghiên cứu tại ĐH Sư phạm Thái Nguyên thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về Ngữ âm Tiếng Việt và nhóm các dân tộc thiểu số. Chính từ tình yêu đối với Tiếng việt, đã thúc đẩy Yamaka Sho chọn gắn bó với TV trong suốt 8 năm qua.

Tiến sỹ Yamaoka Sho, Đại học Kyoto, Nhật Bản cho biết: "Tôi thấy tiếng Việt rất phong phú về phát âm và tôi rất quan tâm đến ngữ âm nên đã theo học chuyên ngành ngôn ngữ học tiếng Việt. Tôi đã quyết định nghiên cứu chuyên sâu về tiếng Việt bằng những dữ liệu đã thu thập trước đây và bằng các thiết bị chuyên môn để đảm bảo chất lượng quan sát và khám phá đặc trưng ngữ âm tiếng Việt."

Nâng cao nhận thức về ngôn ngữ đối với bạn bè quốc tế; lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, trở thành động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt tại Thái Nguyên.

Chị Udval, lưu học sinh Mông Cổ cho biết: "Tiếng Việt phát âm rất khó vì có 6 thanh điệu còn tiếng Mông Cổ thì không có thanh điệu. Thầy cô giáo giúp chúng em rất nhiều, hướng dẫn giải thích ngữ pháp, thanh điệu và phát âm."

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Bảo tồn, tôn vinh tiếng Việt chính là cách phát huy giá trị văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng đối với sự phát triển của nền văn hóa mới trong xu thế hội nhập và phát triển./.