Lạm thu xã hội hóa giáo dục mầm non ở xã vùng 3, Gia Lai
Mặc dù chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, nhưng từ 2015 tới nay, Trường Mẫu giáo Hoa Phượng, ở xã vùng 3 Ia O của huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã tiến hành thu tiền xã hội hóa giáo dục mầm non và mô hình bán trú với khoản thu trên 3 triệu đồng/1 học sinh/1 năm học. Cùng với đó là nhiều điểm bất minh trong hoạt động thu chi, quản lý và sử dụng quỹ này đang gây bức xúc cho phụ huynh tại địa phương.
Trường Mẫu giáo Hoa Phượng, xã Ia O, huyện Chư Prông. |
Xã Ia O là 1 trong 3 xã khó khăn nhất của huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, với 49% hộ dân thuộc diện nghèo và cận nghèo. Dù vậy, từ năm 2015 tới nay, trường Mẫu giáo Hoa Phượng đã vội vàng triển khai thực hiện xã hội hóa và mô hình bán trú.
Điều đáng nói, dù trong hồ sơ trình lên UBND xã Ia O để xin chủ trương thu các khoản tiền này, nhà trường đề xuất thu hơn 1,2 triệu đồng/học sinh/năm học, nhưng thực tế, ngoài khoản tiền từ 1,8 triệu đến 1,9 triệu (tùy mỗi học sinh) đầu năm, mỗi tháng học sinh tại đây phải nộp thêm hơn 200.000 đồng tiền ăn bán trú. Theo danh mục bà Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng kê ra, có rất nhiều khoản nhà trường đã quên trình lên xã nên đã tự động bổ sung sau này.
“Đây là chúng tôi thu sau khi trình nên không có trong hồ sơ. Tiền thuốc cỏ, mua ống nước, tiền quỹ hội phụ huynh, lao động trung tâm không đưa vào. Bố mẹ các cháu không đi lao động nên thu 50.000 đồng/năm/phụ huynh, hơn là một năm 3 kỳ chúng tôi đến đây lao động. Phân bón lao động là phân bón của Úc, giá 150.000 đồng/lít”.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng (bên trái) xác nhận, nhiều khoản thực thu không có trong hồ sơ trình lên chính quyền xã Ia O. |
Năm học 2017-2018, Trường Mẫu Giáo Hoa Phượng thu mỗi em gần 500.000 đồng để mua cây cảnh, ống nước tưới cây, máy bơm và phân bón. Tuy nhiên, thực tế, khuôn viên trường học này vẫn rất xơ xác, chỉ có lác đác vài cây cảnh. Bên cạnh đó, dù đã yêu cầu phụ huynh học sinh tự chuẩn bị đồ dùng phục vụ ăn, ngủ bán trú, nhưng Trường Mẫu giáo Hoa Phượng còn thu thêm các khoản có tên gọi mập mờ, nội dung trùng lặp nhau như “tiền đồ dùng chung”, “đồ dùng bán trú”, “quỹ phụ huynh”, “quỹ lớp” với tổng số tiền lên tới hơn 850.000 đồng mỗi em.
Giáo viên trong trường bị giao thu các khoản tiền này. Nhiều giáo viên không thu được tiền đã phải bỏ tiền lương, hoặc vay lãi hàng chục triệu đồng để ứng trước cho học sinh.
Một giáo viên công tác tại trường Mẫu giáo Hoa Phượng, xã Ia O (xin được giấu tên) cho biết, nếu giáo viên không thu tiền, sẽ bị Ban giám hiệu đánh giá thấp công tác chủ nhiệm, ảnh hưởng tới thành tích thi đua.
“Tôi đóng giúp trước cho học sinh gần 30 triệu. Đến mùa vụ, phụ huynh trả dần cho cô giáo. Bây giờ tôi vẫn đang bị âm 13,5 triệu đồng. Nếu không thu được, nhà trường quán triệt, chửi tôi không ra cái gì. Ai cũng phải vậy, ai cũng phải làm sao cho phụ huynh “nôn” tiền ra. Nếu không là nhà trường đánh vào công tác chủ nhiệm của các giáo viên, mất thi đua, cứ như vậy trong thời gian dài sẽ bị ra khỏi ngành giáo dục”, một giáo viên bộc bạch.
Dù thu mỗi học sinh gần 500.000 đồng để mua cây cảnh, phân bón, máy bơm, đường ống phục vụ việc trồng cây, nhưng khuôn viên nhà trường khá tiêu điều. |
Ngay cả những cháu nhỏ đang học tại đây cũng phải chịu áp lực rất lớn từ các khoản thu của nhà trường. Nhiều học sinh đành nghỉ học ở nhà hoặc đến bữa trưa lủi thủi ra về vì cha mẹ chưa nộp tiền ăn.
Chị Rơ Lah Gi, phụ huynh một học sinh mẫu giáo ở làng Sung O, xã Ia O cho biết: “Đi họp phụ huynh, nhà trường thông báo nộp tiền. Đầu tiên học là nộp 1 triệu. Năm nay lại tăng thêm, lại đóng thêm tiền ăn hàng tháng. Tôi không có đủ tiền nên không cho con đi học đều. Con tôi lúc đi học, lúc không đi”.
Hiện nay Trường Mẫu giáo Hoa Phượng có gần 200 học sinh. Trong đó có 4/7 lớp đang thực hiện xã hội hóa và mô hình bán trú với tổng số tiền quỹ hàng năm lên tới hàng trăm triệu đồng. Những điểm trường lẻ cũng bị thu nhiều khoản tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, theo chị Rơ Mah Qua, thành viên Ban chấp hành hội phụ huynh học sinh trường Mẫu giáo Hoa Phượng việc thu chi tiền xã hội hóa và bán trú tại đây không được thông qua Ban chấp hành hội, thậm chí có thu mà không thấy chi.
Chị Rơ Mah Qua nói: “Cái đó là bên nhà trường tự thu hết, bên hội phụ huynh không biết, không quản lý. Cô hiệu trưởng cứ nói là làm hàng rào, bảo phụ huynh đóng tiền, nhưng đóng cũng không thấy làm. Ngay cả tiền cảnh quan, tiền cây cảnh cũng không có”.
Ngoài việc thu các khoản tiền đầu năm, mỗi tháng học sinh mẫu giáo tại Trường Mẫu giáo Hoa Phượng còn phải nộp thêm 200.000 đồng ăn bán trú. |
Bà Nguyễn Thị Phương Huệ, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cho biết, chủ trương xã hội hóa và mô hình bán trú được ngành giáo dục Gia Lai khuyến khích tại những nơi có điều kiện thuận lợi, phù hợp với điều kiện kinh tế của phụ huynh.
Xã hội hóa không nhất thiết phải thu bằng tiền, mà có thể đóng góp ngày công, cơ sở vật chất tùy theo điều kiện và sự tự nguyện của phụ huynh học sinh. Nếu xã hội hóa được quy ra các khoản đóng góp, phải trên tinh thần phụ huynh tự nguyện đóng góp, tự thu chi, quản lý và sử dụng công khai, minh bạch. Do đó, việc tổ chức thực hiện tại trường Mẫu giáo Hoa Phượng có nhiều điểm chưa đúng.
Bà Nguyễn Thị Phương Huệ cho biết: “Có một số mục thu ở đây, tôi nghĩ là nhà trường cần phải xem lại. Ví dụ như phân bón, lao công, quỹ hội phụ huynh, lao động trung tâm. Khi họ thu, phải đưa dự toán chi, hoặc được sự thống nhất của hội phụ huynh học sinh, hoặc có sự cho phép của các cơ quan, chính quyền địa phương. Điều kiện phụ huynh không cho phép nhưng thu như thế sẽ rất khó khăn".
Xã hội hóa và mô hình bán trú ở bậc học mầm non có mục đích là tạo điều kiện học tập, chăm sóc tốt nhất cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, tại xã nghèo Ia O, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, chủ trương này đang bị lợi dụng, biến tướng gây ra bức xúc cho người dân địa phương./.