Không chỉ sống cho riêng mình
Cựu chiến binh Dương Văn Thịnh tới thăm và động viên bà Dương Thị Mánh - mẹ của đồng đội đã hy sinh. |
Ông Thịnh xung phong nhập ngũ khi mới 17 tuổi, từng tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường khốc liệt như: Dầu Giây, Đồng Xoài, Xuân Lộc, Hố Nai... trước khi bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đất nước thống nhất, đơn vị ông nhận nhiệm vụ truy quét tàn binh địch và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Năm 1978, ông bị thương được chuyển ra Bắc điều trị và phục viên. Năm 1981, ông rẽ ngang trở thành nhân viên ngành Tài chính. Nhiều năm qua, hình ảnh một cán bộ của Chi cục Thuế huyện Phú Bình sớm sớm, chiều chiều ngoài giờ làm việc lại vận bộ quần áo bay đã bạc màu cắt cỏ, phát cây đã trở nên gần gũi với người dân ở Tổ dân phố Tây, thị trấn Hương Sơn (Phú Bình).
Đáng trân trọng hơn nữa đó là tấm lòng nhân ái, đầy ắp tình người của vợ chồng ông. Dù có 3 người con, kinh tế gia đình chẳng có gì khá giả, nhưng vợ chồng ông đã nhận nuôi 4 người con nuôi. Lý do ông nhận con nuôi là “nhìn thấy các cháu khổ chúng tôi không đành lòng”. Bốn người con ông bà nhận nuôi, mỗi người một hoàn cảnh: Cậu con trai út hiện đang là sinh viên đại học được ông bà đón về nuôi khi chưa tròn 1 tháng tuổi. Mẹ đẻ của em mắc bệnh ung thư, sinh con được 19 ngày thì mất. Cảnh gà trống nuôi 3 đứa con nhỏ, nhà lại quá nghèo nên bố em phải đánh tiếng cho đi đứa con mới lọt lòng. Xót thương đứa trẻ khát sữa, bệnh phát đầy người, vợ chồng ông xin được lo toàn bộ chay ma cho mẹ cháu bé rồi xin phép họ hàng hai bên đón cháu về nuôi. Bé gái thứ hai có bố và anh trai nhưng do người anh nghịch ngợm, phá phách khiến cháu không theo học được bằng chúng bạn. Biết chuyện, được sự đồng ý của bố cháu, vợ chồng ông Thịnh đón cháu về nuôi dạy, cho ăn, ở và học cùng con mình và nhận cháu làm con. Người con nuôi thứ ba, bố mất vì tai nạn giao thông, mẹ đi bước nữa. Đứa trẻ sống không có định hướng, sợ cháu lớn lên sẽ đi lầm đường, vợ chồng ông Thịnh lại tự nguyện trở thành ba, mẹ bảo ban, dạy dỗ đứa trẻ nhiều thiệt thòi ấy nên người. Người con nuôi thứ tư tuy không có tên trong sổ hộ khẩu gia đình, nhưng ông, bà dành tình cảm cho con không khác gì con đẻ. Khi cô con gái cả tâm sự về một người bạn mất đi tình thương của mẹ từ sớm, thiếu hụt kỹ năng, kinh nghiệm sống, ông bà động lòng trắc ẩn nhận bạn của con làm con nuôi, bảo ban con cách làm ăn và đối nhân xử thế...
Việc nghĩa với vợ chồng ông cứ như chuyện đương nhiên phải làm vậy. Là thương binh hạng 2/4, đạn bom vạt đi của ông cả một bên vai phải, là nạn nhân chất độc da cam, từ năm 2008, ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu phải điều trị thường xuyên; ngày 1-5 vừa qua ông được về nghỉ hưu sau khi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với vị trí là Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Phú Bình, thế nhưng ông chưa cho phép mình được nghỉ. Ông thành lập cơ sở trông coi xe cho công nhân của Công ty điện tử Sam Sung Thái Nguyên, với mục đích tạo việc làm, thu nhập ổn định và niềm vui sống cho một số người, trong đó có 2 người bị tàn tật và bệnh hiểm nghèo.
Dù cuộc sống với bộn bề lo toan nhưng chưa khi nào ông nguôi nhớ về đồng đội. Cùng quê, cùng đơn vị với liệt sĩ Dương Xuân Điều, sau khi ông ra Bắc được 1 năm thì nghe tin bạn mình đã hy sinh. Kể từ đó, ông thường lui tới nhà bạn để mong khỏa lấp phần nào nỗi quạnh quẽ và nhớ thương mà người mẹ mất con đang gồng gánh. Hơn ai hết, ông hiểu được nỗi đau và khát khao tìm được thi hài con của mẹ. Năm 1994, ông trở lại Sư đoàn 5 tìm tin tức của liệt sĩ Điều nhưng không có kết quả. 3 năm sau, ông trở lại thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai tìm các đồng đội dò hỏi về tung tích phần mộ liệt sĩ Điều nhưng cũng không ai biết. Chuyến đi ấy tuy không tìm được liệt sĩ Dương Xuân Điều, nhưng ông Thịnh đã tìm được phần mộ và danh tính của hơn 10 liệt sĩ cùng tiểu đoàn. Ông liền gửi thông tin các phần mộ về Ban liên lạc Sư đoàn 5 phía Bắc.
Sau hai chuyến đi của ông, gia đình liệt sĩ Điều càng khắc khoải. Không đành lòng để bà Mánh, người ông đã coi như mẹ héo hắt những năm tháng cuối đời, tháng 4 năm 2011, Hội cựu chiến binh Sư đoàn 5 có chuyến hành trình thăm lại chiến trường xưa, ông nung nấu quyết tâm trở lại Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, Quân khu 7 (Tây Ninh) để tìm đồng đội. Trong chuyến đi, ông đã hỏi tất cả những ai có thể hỏi nhưng không ai nắm được thông tin về phần mộ liệt sĩ Điều. Thông tin ông có duy nhất chỉ là liệt sĩ Điều hy sinh ở khu vực gần biên giới giáp với Thái Lan. Nhưng giờ trời run rủi, trên đường từ Bình Dương về Vũng Tàu, đến đoạn qua quận 9, T.P Hồ Chí Minh, đường đang làm nên đoàn của ông phải dừng đợi. Giữa tháng 4, mọi người tìm bóng cây trú nắng. Ông nhớ lại: Vừa xuống xe, ập vào mắt chúng tôi là tượng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, lúc này anh em tôi mới biết mình đang đứng cạnh nghĩa trang quận 9, T.P Hồ Chí Minh. Chúng tôi liền vào thắp hương cho các liệt sĩ, rồi cứ như có một sức mạnh nào đó kéo tôi đi tìm khu mộ của liệt sĩ các tỉnh xa. Tôi sững người không tin vào mắt mình khi nhìn thấy bia mộ ghi tên liệt sĩ Dương Xuân Điều. Bên cạnh anh Điều còn có anh Dân, anh Tham đều ở Phú Bình và nhiều anh em nữa.
Câu chuyện của anh Tham (liệt sĩ Nguyễn Mạnh Tham, làng An Châu, xã Nga My) cũng kỳ diệu lắm. Tôi còn giữ liên lạc với nhiều đồng đội sát cánh chiến đấu với anh Tham trong trận chiến cuối cùng. Anh em có kể lại rằng, trận đánh hôm ấy anh Tham và đồng đội có một trận chiến không cân sức với địch, biết không thể cầm cự, anh Tham đã lệnh cho tất cả quân rút lui, mình anh gom súng, đạn lại cầm chân địch và rồi anh ấy hy sinh, hôm ấy là ngày 23-4-1980. Sau này hòa bình lập lại, số anh em may mắn còn sống đã lấy ngày đó hằng năm để họp mặt và cúng giỗ anh Tham. Nhớ ơn cứu mạng của thủ trưởng, anh em sống ở T.P Hồ Chí Minh cũng đã đi tìm phần mộ anh Tham khắp mọi nơi mà không được. Đâu ai nghĩ anh ấy lại nằm ngay cạnh mình như thế. Lúc tôi báo tin ai cũng mừng phát khóc. Tại nghĩa trang quận 9, T.P Hồ Chí Minh, ông Thịnh và các cựu chiến binh Sư đoàn 5 đã tìm được 16 phần mộ của các liệt sĩ quê ở Bắc Thái cũ (nay là Thái Nguyên), cẩn thận ghi chép lại thông tin của đồng đội và mong tìm được thân nhân của các anh. Trở về, ông Thịnh cũng đã đến một số trụ sở UBND xã theo địa chỉ ghi trên bia mộ của các liệt sĩ nhưng được biết thân nhân của nhiều người đã không còn sinh sống tại địa phương. Đến nay, mới có 2/16 liệt sĩ được đưa về quê nhà, trong đó có liệt sĩ Dương Xuân Điều.
Nói về chuyện đi đón hài cốt của con trai, bà Mánh lại rưng rưng: Cảnh nhà khó, “em” già rồi cũng chẳng đi đón con được. Việc rồi cũng lại đến tay bác Thịnh. Thằng con “em” (em trai liệt sĩ Điều) đi cùng, về còn quay cả vào điện thoại cho “em” xem. Nó bảo rằng, lúc đào mộ anh nó lên nhiều nước quá, bác Thịnh sợ nước sâu không nhìn thấy lỡ thằng Điều bị sót mảnh xương nào nên nhảy cả xuống hố mò xương cho anh nó. Con “em” đúng là may mắn khi được nhờ bạn mà. Hôm đưa linh cữu nó về, bác Thịnh bảo “em” là mẹ không được khóc, Điều về rồi mẹ phải vui mới phải. Rồi bác Thịnh hát cho thằng Điều nghe, ai cũng xúc động”.
Ngồi kế bên, ông Thịnh phân trần: Lúc sống anh Điều rất thích hát bài “Bài ca bên cánh võng”, trước linh cữu anh tôi muốn hát lại cho anh nghe để anh ấm lòng khi được trở về quê mẹ.
Cùng gia đình và chính quyền địa phương lo nơi an nghỉ cho liệt sĩ Điều xong, ông Thịnh lại đang bận rộn cho kế hoạch mới, vào Nam đón đồng đội - liệt sĩ Nguyễn Mạnh Tham.