Khởi nghĩa Thái Nguyên - Khát vọng "phục quốc" của những người yêu nước
Những ngày cuối tháng 8 mùa thu lịch sử của 107 năm về trước, Khởi nghĩa Thái Nguyên - cuộc khởi nghĩa với Khát vọng “phục quốc” của những người yêu nước đã bùng nổ. |
Đầu thế kỷ XX, trong đêm trường tăm tối, dân chúng lầm than, rên siết dưới gót giày của thực dân Pháp. Bên song sắt nhà tù Thái Nguyên, cuộc hội ngộ giữa viên Đội khố xanh Trịnh Văn Cấn (tức Đội Cấn) và người tù chính trị lĩnh án chung thân Lương Ngọc Quyến đã khơi dậy Khát vọng “phục quốc” của những người yêu nước.
PSG. TS Đỗ Hồng Thái, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên cho biết: "Lực lượng quân lính Pháp và Âu Phi có mặt ở Thái Nguyên lên tới 1.800, chưa kể lính khố xanh. Chế độ cai trị hết sức hà khắc đem đến sự bất bình cho các tầng lớp nhân dân ở Thái Nguyên. Lương Ngọc Quyến là một trong những người mà thể hiện rất rõ một trí sĩ yêu nước, đã gần gũi trao đổi với Đội Cấn và tác động sâu sắc đến hành động và nhận thức của Đội Cấn để khi 2 người gặp nhau là yếu tố rất quan trọng trong việc hội tụ và hoạch định trong kế hoạch khởi nghĩa vào đêm 30/8/1917".
Đêm 30/8/1917, Khởi nghĩa Thái Nguyên nổ ra với lực lượng chủ lực là quân lính người Việt trong quân đội Pháp và các tầng lớp nhân dân. Ngày 31/8, quân khởi nghĩa làm chủ tỉnh lỵ Thái Nguyên, tuyên bố thành lập Việt Nam Quang Phục hội, suy cử Trịnh Văn Cấn làm Quang Phục quân Đại Đô đốc, Lương Ngọc Quyến làm quân sư. Lần đầu tiên, lá quân kỳ 5 sao mang dòng chữ “Nam binh phục quốc” tung bay trên cổng thành. Nghĩa quân phát đi 2 bản hịch tuyên bố Thái Nguyên độc lập với Quốc hiệu là Đại Hùng Đế quốc.
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho hay: "Trong bối cảnh 1 quốc gia có người đứng đầu ở cương vị sự tôn trọng là tối cao. Chữ Đế quốc là ghi dấu sự trưởng thành của dân tộc, sự tự tôn, tự hào dân tộc".
PSG. TS Đỗ Hồng Thái, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên cho biết: "Khởi nghĩa tuy không thành công nhưng đã tiếp tục hun đúc tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của người dân Thái Nguyên, của lực lượng binh lính Thái Nguyên, binh lính người Việt trong quân đội Pháp, cũng chính là tấm gương sáng chói để các thế hệ con cháu noi gương".
Hơn 1 thế kỷ đã trôi qua, hào khí của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên với khát vọng “phục quốc” của những người yêu nước cùng sự bất khuất, hi sinh anh dũng của 2 người anh hùng dân tộc - Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến, sẽ in mãi dấu son trong lòng dân tộc. |
Hơn 1 thế kỷ đã trôi qua, hào khí của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên với khát vọng “phục quốc” của những người yêu nước cùng sự bất khuất, hi sinh anh dũng của 2 người anh hùng dân tộc - Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến, sẽ in mãi dấu son trong lòng dân tộc.
Em Nguyễn Tú Phương, lớp 9A3, Trường THCS Trưng Vương, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Em cảm thấy rất tự hào khi sinh ra ở mảnh đất Thái Nguyên. Em sẽ chia sẻ với các bạn về những công lao to lớn của 2 người anh hùng dân tộc - Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến".
Ông Hoàng Ngọc Hoa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Tự hào và trách nhiệm tiếp tục gìn giữ, phát huy truyền thống cách mạng, tuyên truyền bồi đắp cho các thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước".
Thực tiễn phát triển đã ghi nhận, lịch sử được trân trọng, gìn giữ và phát huy, các thế hệ sau biết trân quý xương máu, sự hi sinh của ông cha thì phúc lộc đất nước, quê hương sẽ trường tồn. Từ mùa thu năm 1917 đến nay, vùng đất Thái Nguyên anh hùng đã đổi thay và phát triển mạnh mẽ chính vì phát huy được những giá trị lịch sử bền vững ngàn đời như thế!