Khởi nghĩa Bắc Sơn   “tiếng súng” mở đầu giành chính quyền cách mạng
Hội thảo khoa học về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn

Hơn 60 báo cáo tham luận khoa học tham gia vào hội thảo tiếp tục làm rõ tầm vóc, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, vai trò của quần chúng nhân dân trong cuộc khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền. Đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử cũng nhận định, khởi nghĩa Bắc Sơn là kết quả của sự chuẩn bị kỹ càng để chờ thời cơ tiến hành khởi nghĩa vũ trang theo đúng đường lối đã được định tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Theo PGS.TS Trịnh Thị Hồng Hạnh - Giảng viên cao cấp Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: "Đây là hội nghị Trung ương đánh dấu một quá trình nhận thức của Đảng, một quá trình lãnh đạo cách mạng lâu dài của Việt Nam sau gần 10 năm và Trung ương đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Ngay sau đó Trung ương đã có chỉ đạo với Xứ ủy Bắc Kỳ chuyển hướng lãnh đạo phong trào cách mạng, rút vào hoạt động bí mật, chuyển về vùng nông thôn, miền núi làm cơ sở, để xây dựng lực lượng và phát triển phong trào".

Dưới sự lãnh đạo của các đảng viên, hơn 600 quần chúng gồm các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh trên địa bàn châu lỵ đã tấn công, chiếm đánh đồn Mỏ Nhài. Sau khi chiếm châu lỵ, Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa đã đốt bỏ tài liệu và ấn tín, xóa bỏ chính quyền cũ. Tuy chỉ tồn tại trong vòng 1 tháng, nhưng cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã trở thành tín hiệu mở đầu cao trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương, là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Khởi nghĩa Bắc Sơn   “tiếng súng” mở đầu giành chính quyền cách mạng
PGS.TS Trịnh Thị Hồng Hạnh - Giảng viên cao cấp Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo

Cũng theo PGS.TS Trịnh Thị Hồng Hạnh - Giảng viên cao cấp Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn "Rút ra rất nhiều bài học kinh nghiệm cho Đảng về vấn đề lựa chọn thời cơ khởi nghĩa, về vấn đề tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân. Đây là những vấn đề căn cốt cho cách mạng giải phóng dân tộc cũng như cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc lâu dài sau này".

Từ khởi nghĩa Bắc Sơn đã hình thành và xây dựng được một trong những đội quân vũ trang cách mạng đầu tiên của Đảng là Đội du kích Bắc sơn, thúc đẩy sự ra đời, trưởng thành của các đội Cứu quốc quân 1,2,3 - những đội quân tiền phong của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng từ đây đã từng bước thành lập căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn - Võ Nhai, trở thành nòng cốt trong việc củng cố, phát triển và thúc đẩy phong trào cách mạng ở các địa phương lân cận và cả nước.

PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết: "Căn cư địa mà sau này chúng ta gọi là hậu phương cách mạng, hậu phương kháng chiến, có vai trò quan trọng, thậm chí mang tính quyết định đến sự thành công của sự nghiệp cách mạng... Có thể nói là cơ sở đầu tiên, trên cơ sở đấy thành lập căn cứ địa rộng lớn ở vùng Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng... gọi là các An toàn khu".

Khởi nghĩa Bắc Sơn   “tiếng súng” mở đầu giành chính quyền cách mạng
PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Nguyên Viện trưởng Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trao đổi với Phóng viên

Sau khởi nghĩa Bắc Sơn, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã noi gương Bắc Sơn, xây dựng lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng, đợi thời cơ thuận lợi để tiến hành khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn chính là bước tập dượt quan trọng để mở đầu cho thời kỳ vận động giải phóng dân tộc, từ khởi nghĩa từng phần ở các địa phương tiến tới tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước.

Mặc dù bị khủng bố và đàn áp khốc liệt do thời cơ cách mạng chưa chin muồi nhưng khởi nghĩa Bắc Sơn đã để lại cho Đảng và nhân dân ta nhiều bài học về khởi nghĩa vũ trang, xây dựng căn cứ địa cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng; giúp Đảng ta có thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu và cơ sở lý luận cho đường lối đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc. Đây cũng là tiền đề và điều kiện quan trọng để Đảng ta lãnh đạo Tổng khởi nghĩa năm 1945 thắng lợi, giành chính quyền về tay nhân dân, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa./.