Khó khăn trong phát triển làng nghề truyền thống
Làng nghề truyền thống mây tre đan Thù Lâm, phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên |
Được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2009, nhiều năm qua Làng nghề truyền thống mây tre đan Thù Lâm, phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên không chỉ đem lại thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho phần lớn người dân đã quá tuổi lao động ở địa phương. Các sản phẩm sản xuất ra, được thương lái đến tận nơi thu mua, nhiều khi không đủ để cung ứng ra thị trường. Thế nhưng, hơn 1 năm trở lại đây làng nghề cũng gặp nhiều khó khăn về đầu ra của sản phẩm.
Ông Tạ Văn Vĩnh, Phó chủ nhiệm HTX Tiểu thủ công nghiệp phường Tiên Phong, thành phố Phổ Yên cho biết: "Hiện tại, đầu ra của sản phẩm hơi chậm, nhiều hộ sản xuất còn tồn hàng nghìn chiếc chưa bán được, trong khi đó lao động trẻ hiện nay họ không làm, chỉ còn những người lớn tuổi như chúng tôi, chúng tôi cũng gặp những khó khăn như lúc cần làm nhiều sản phẩm thì lại không có lao động, sản phẩm làm ra cũng không được đa dạng về mẫu mã, chủng loại"
Còn tại Làng nghề dệt mành cọ Làng Bầng, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, nhờ bàn tay khéo léo và kỹ thuật điệu luyện các nghệ nhân nơi đây đã tạo nên được sản phẩm mành cọ đặc biệt, mang nét đẹp riêng của Làng Bầng. Dù sản phẩm làm ra tỉ mỉ và đẹp nhưng giá thành mành cọ lại rẻ hơn so với chiếu trúc, chiếu cói và một vài loại chiếu thông thường khác trên thị trường. Do vậy, những năm gần đây, nghề dệt mành cọ không được chú trọng, số lượng sản phẩm tiêu thụ vì thế cũng giảm 50% so với chục năm về trước. Hầu hết bà con đều tự bán trên thị trường, chưa tìm được đơn vị, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm.
Bà Ma Thị Ngân, Xóm Làng Bầng, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên chia sẻ: "Hiện nay nguyên liệu để làm ra sản phẩm không còn nhiều, muốn làm lâu dài thì phải chuyển đổi sang cây trồng khác, lớp trẻ bây giờ hầu hết đều đi làm việc ở các công ty, chỉ có mỗi lớp già ở nhà, nếu như chúng tôi không làm nữa chắc làng nghề sẽ bị mai một dần"
Khó khăn trong phát triển làng nghề truyền thống khi lực lượng chính đã quá tuổi lao động |
Ông Hoàng Trọng Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa, Thái Nguyên: "Các hộ gia đình làm nghề đều theo hình thức nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất chủ yếu thủ công, địa phương cũng không có nguồn lực gì để hỗ trợ, địa phương mong muốn các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ về nhãn hiệu sản phẩm và kết nối doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con"
Khó khăn của hai làng nghề trên cũng là khó khăn chung của nhiều làng nghề hiện nay, bởi hầu hết các làng nghề vẫn đang phát triển manh mún, nhỏ lẻ, chưa tiếp cận được nguồn vốn và hưởng chế độ, chính sách ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, chưa tạo được các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm của làng nghề chưa mạnh, các sản phẩm có chất lượng chưa đồng đều, mẫu mã ít được đổi mới... Do vậy, rất cần những giải pháp cụ thể, thiết thực và phù hợp từ các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương với từng làng nghề, để các làng nghề phát triển bền vững, tiếp tục tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân./.