Khánh thành Nhà máy Thủy điện Lai Châu
Sáng nay (20/12), tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh biên giới Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức khánh thành thủy điện Lai Châu, công trình thủy điện lớn thứ 3 Đông Nam Á. Dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện chính quyền các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La; đại diện các nhà thầu và đông đảo bà con các dân tộc trong vùng tái định cư.
Ngay từ đầu giờ sáng nay, khu vực hạ lưu đập - nơi diễn ra lễ khánh thành Nhà máy thủy điện Lai Châu, đông đảo đồng bào các dân tộc địa phương đã có mặt để theo dõi sự kiện này. Để xây dựng nhà máy, hơn 2.000 hộ dân địa phương đã được di chuyển về 18 khu, 35 điểm tái định cư.
Toàn cảnh Lễ khánh thành nhà máy thủy điện Lai Châu. |
Với sự đầu tư đồng bộ hệ thống điện, đường, trường, trạm, đến nay đời sống của bà con tại nơi ở mới đã cơ bản ổn định. Sự nỗ lực của chính quyền và sự đồng thuận của người dân là một trong những điều kiện chính dẫn đến việc hoàn thành công trình trước một năm, làm lợi cho Nhà nước khoảng 7.000 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Thắng, người dân đến từ điểm tái định cư thị trấn Nậm Nhùn, huyện Nậm Nhùn có mặt tại buổi lễ, cho biết, người dân chuyển về khu tái định cư mới, giao thông đi lại thuận tiện hơn. Cuộc sống của bà con, y tế, trường học tốt hơn nhiều so với nơi ở cũ.
“Là người dân tái định cư tôi cảm thấy rất tự hào về tiến độ thi công thủy điện Lai Châu, mang lại nhiều kinh tế cho Nhà nước. Những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với bà con thì tôi mong Đảng và Nhà nước quan tâm sát sao hơn, hỗ trợ cho bà con cho cuộc sống tốt hơn”, ông Thắng chia sẻ.
Dự án thủy điện Lai Châu có tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng, là công trình xây dựng trọng điểm quốc gia, có tổng công suất lắp máy 1.200MW, mỗi năm cung cấp lên hệ thống điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh. Đây là công trình thủy điện lớn thứ 3 Đông Nam Á.
Để có được mốc khánh thành sớm, các nhà thầu đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc như: Đào đắp 15 triệu mét khối đất, đá; đổ gần 6,5 triệu mét khối bê tông; lắp đặt 34 nghìn tấn thiết bị. Đặc biệt, thủy điện Lai Châu được coi là công trình đánh dấu giá trị Việt, bởi các công nhân Việt Nam đã tự chủ từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công xây lắp, đồng bộ thiết bị, giám sát đến quản lý vận hành.
Ông Phạm Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án thủy điện Sơn La - Lai Châu cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thi công khi công trình nằm tại vùng sâu, hạ tầng giao thông thấp kém, điều kiện địa chất xấu… song các nhà thầu đã phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tối ưu hóa sản xuất, huy động tối đa tiềm năng làm chủ khoa học kỹ thuật. Sự đoàn kết, nỗ lực hết mình của toàn thể cán bộ, công nhân trên công trường đã vượt qua tất cả để xây dựng nên một công trình công nghiệp hiện đại.
“Toàn bộ lực lượng thi công thủy điện Sơn La được tiếp tục đưa lên thi công thủy điện Lai Châu. Rút kinh nghiệm từ thủy điện Sơn La đã giúp cho việc triển khai dự án thủy điện Lai Châu được thuận lợi rất nhiều. Với vai trò là chủ đầu tư dự án di dân tái định cư, UBND tỉnh Lai Châu đã làm rất tốt trách nhiệm của mình, động viên bà con nhân dân vùng lòng hồ di dời lên các khu, điểm tái định cư mới đúng tiến độ”, ông Phương cho biết.
Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận sự nỗ lực của các bộ, ngành liên quan, chủ đầu tư; cũng như tập thể cán bộ, công nhân lao động các nhà thầu, chính quyền tỉnh Lai Châu trong việc hoàn thành toàn bộ công trình trước một năm và làm tốt công tác di dân lòng hồ thủy điện.
Phó Thủ tướng khẳng định, việc công trình hoàn thành sớm 1 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đồng nghĩa với việc cung cấp sớm hơn cho hệ thống điện quốc gia khoảng 4,7 tỷ kWh điện năng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Ngoài lợi ích tăng nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh Lai Châu và ngân sách quốc gia, công trình thủy điện Lai Châu còn có ý nghĩa rất quan trọng là sắp xếp và xây dựng các khu dân cư, đặc biệt là các khu tái định cư theo tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng nông thôn mới./.