Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách
Toàn cảnh kỳ họp.

Đây là lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam tổ chức một kỳ họp bất thường trên cơ sở đề nghị của Chính phủ. Kỳ họp cho thấy sự chủ động, linh hoạt, kịp thời thích ứng của Quốc hội, nhằm giải quyết những thách thức đặt ra trong bối cảnh đặc biệt, vì một mục tiêu duy nhất - đem lại sự phát triển cho đất nước.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong năm 2021, nhất là quý III/2021, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 với biến chủng Delta đã tác động nặng nề tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Nhờ sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tình dịch bệnh trong nước và trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, sinh kế của người dân và người lao động còn nhiều khó khăn, còn nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới… Trước yêu cầu bức thiết của đất nước, căn cứ vào công tác chuẩn bị và quy định của Hiến pháp và pháp luật, Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất để kịp thời quyết định các vấn đề cấp bách để khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội đất nước trong thời gian tới.

Trong chương trình làm việc buổi sáng, Quốc hội nghe trình bày các Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cơ bản thống nhất với quan điểm, nội dung nêu tại Tờ trình, các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ thêm một số nội dung kiến nghị đã nêu trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, đề nghị Quốc hội cần rà soát doanh mục các dự án đầu tư kết cầu hạ tầng, đảm bảo những dự án quan trọng, có tính khả thi; các dự án có khả năng giải ngân và hấp thụ nhanh vào nền kinh tế; các dự án đặc thù mang tính vùng miền, trong đó có khu vực trung du miền núi phía Bắc sẽ được quan tâm đưa vào danh mục.

Đối với đầu tư kết cấu hạ tầng, các đại biểu đề nghị giải trình, làm rõ hơn đối với nguồn vốn đầu tư công còn thiếu để đáp ứng nhu cầu vốn của các dự án trong danh mục đề xuất, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ bố trí vốn năm 2022-2023 cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, có khả năng thực hiện, giải ngân để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Về giải pháp huy động nguồn lực, các đại biểu đề nghị bổ sung giải pháp lồng ghép hiệu quả các nguồn lực từ 03 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu hỗ trợ đầu tư y tế cơ sở tại các địa phương nhất là vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn để đầu tư, nâng cấp, phát triển y tế cơ sở, tín dụng ưu đãi giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân ngay từ những tháng đầu năm./.