Iran nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1
Chính phủ Iran tuyên bố nếu lợi ích của nước này được bảo vệ, Iran vẫn có thể duy trì cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), mà nước này ký năm 2015 với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ, cùng với Đức).
Ngoại trưởng Iran Zarif. Ảnh: Tehran Times. |
Tuyên bố này được đánh giá là nỗ lực của Iran trong việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mà nước này ký kết với nhóm P5+1 sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận.
Phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena đang ở thăm Iran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nêu rõ, nếu 5 nước còn lại tham gia Kế hoạch hành động chung toàn diện (gồm Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) tiếp tục tuân thủ thỏa thuận này, Iran vẫn duy trì cam kết của mình bất chấp việc Mỹ quyết tâm rút khỏi thỏa thuận, miễn là Iran được đảm bảo các lợi ích liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ trong một số ngành kinh tế chủ chốt như dầu mỏ.
Tổng thống Rouhani nhấn mạnh rằng, quyết định của Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện là "hành động vi phạm đạo đức và đi ngược lại các quy định quốc tế".
Cùng ngày, phát biểu khi tới Trung Quốc, chặng dừng chân đầu tiên trong khuôn khổ chuyến công du tới nhiều nước nhằm tìm cách cứu vãn Kế hoạch hành động chung toàn diện sau khi Mỹ rút khỏi, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif bày tỏ hy vọng rằng, với chuyến công du này, Iran có thể xây dựng được đề cương tương lai rõ ràng cho thỏa thuận hạt nhân, trên cơ sở thiết kế lại bản thỏa thuận này khi không có Mỹ.
Phát biểu tại buổi họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Zarif nói: "Chúng tôi hy vọng với chuyến thăm Trung Quốc và các nước khác, chúng ta có thể xây dựng một kế hoạch tương lai rõ ràng hơn cho thỏa thuận toàn diện. Việc Mỹ, một bên tham gia chính trong thỏa thuận không tôn trọng những cam kết trong thỏa thuận là một điều không thể chấp nhận được với người dân Iran và các nước khác tham gia Kế hoạch hành động chung toàn diện”.
Trước đó, ông Zarif đăng lên Twitter thông cáo chính thức của chính phủ, lên án "chính quyền cực đoan" của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ bỏ "một thỏa thuận được công nhận là thắng lợi ngoại giao của cộng đồng quốc tế". Thông cáo tái khẳng định việc Iran đang sẵn sàng khôi phục hoạt động làm giàu urani "ở mức độ công nghiệp mà không có bất cứ hạn chế nào", trừ khi châu Âu đảm bảo chắc chắn về việc Iran có thể duy trì giao thương bất chấp cấm vận mà Mỹ vừa tái áp đặt.
Iran và Trung Quốc cũng đã nhất trí hợp tác để duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif hôm 13/5 có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Iran Zarif khẳng định rằng việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ mang lại lợi ích cho Tehran. Theo nhà ngoại giao này, Iran nên nhận được những lợi ích kinh tế như đã hứa hẹn trong thỏa thuận mang tính lịch sử này kể cả khi Mỹ nối lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này. Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh cam kết duy trì hợp tác với các bên liên quan nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân đã ký giữa Iran và các cường quốc, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
Trung Quốc vẫn duy trì quan hệ đầu tư và thương mại với Iran, ngay cả khi các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Iran liên quan tới thỏa thuận hạt nhân đã ký năm 2015. Các nhà phân tích cho rằng, sự hiện diện của Trung Quốc tại Iran sẽ tăng lên khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.
Bộ Ngoại giao Iran cho biết, sau khi đến Trung Quốc trong ngày 13/5, Ngoại trưởng Zarif sẽ thăm Nga và tới Brussels, Bỉ. Trong chuyến thăm, ông Zarif sẽ trao đổi với các bên về những diễn biến liên quan vấn đề hạt nhân Iran. Tại Brussels, Ngoại trưởng Iran cũng sẽ có cuộc gặp với các bên còn lại trong thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện.
Theo thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện, Iran hạn chế chương trình hạt nhân của nước này để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ngày 9/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trừng phạt kinh tế "ở mức cao nhất" đối với Iran.
Động thái này của Mỹ đã vấp phải sự phản đối của Liên Hợp Quốc và nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nga, Pháp, Đức và Anh. Liên minh châu Âu (EU) lo ngại nếu thỏa thuận trên sụp đổ sẽ có thể làm gia tăng các cuộc xung đột tại Trung Đông. Tuy nhiên, trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 13/5 đã trấn an các nước đồng minh châu Âu rằng, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không ảnh hưởng tới mối quan hệ của nước này và các nước châu Âu.
Ông Pompeo bày tỏ: "Việc rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện không nhằm vào châu Âu. Trong thời gian ngắn khi đảm nhiệm vị trí ngoại trưởng, tôi đã nỗ lực để cố gắng sửa chữa thỏa thuận. Chúng tôi đã không thể đạt được thỏa thuận với các đối tác E3 (Đức, Pháp, Anh) . Tôi hy vọng trong những ngày tới, châu Âu có thể hợp tác với Mỹ để xây dựng một thỏa thuận thực sự phát huy tác dụng, thực sự bảo vệ thế giới khỏi hành vi xấu của Iran, không chỉ là chương trình hạt nhân, tên lửa mà còn cả cách hành xử của họ nữa."
Tuy nhiên, một số người theo quan điểm bảo thủ cho rằng, sẽ khó để cứu vãn thỏa thuận này nếu châu Âu chịu sức ép lớn từ Mỹ./.