Indonesia sẽ kiện EU trước những lo ngại về ngành công nghiệp dầu cọ
Chính phủ Indonesia sẽ khởi kiện Liên minh châu Âu (EU) lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) liên quan đến Chỉ thị năng lượng tái tạo II (RED II) và Luật Ủy quyền (DR) của khối này.
Hãng thông tấn chính thức Antara của Indonesia ngày 8/10 cho biết kế hoạch khởi kiện đã được đưa ra trước lo ngại rằng các quy định nói trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành công nghiệp dầu cọ của nước này.
Phát biểu tại một hội nghị tại Bali, Cục trưởng Cục Vận động Thương mại thuộc Bộ Thương mại Indonesia, ông Sondang Anggraini nhấn mạnh: "Chính phủ Indonesia phải chuẩn bị đối mặt với RED II vì quy định này sẽ tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp dầu cọ trong nước. Điều quan trọng đối với Indonesia là tìm hiểu kỹ hơn về hành động pháp lý chống RED II."
RED II được ban hành năm 2018 và đã tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp dầu cọ của Indonesia. Tiếp đó, vào tháng 3/2019, Ủy ban châu Âu thông qua DR theo đó sẽ dần loại bỏ và cấm xăng sinh học làm từ dầu cọ.
Một số điều khoản của RED II sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Dự kiến RED II sẽ được áp dụng tại tất cả các nước thành viên EU vào tháng 6/2021. Đến năm 2030, EU đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn nhiên liệu sinh học có nguồn gốc từ các loại nguyên liệu thô gây biến đổi khí hậu và mất an ninh lương thực.
Theo ông Sondang, có hai khía cạnh mà Chính phủ Indonesia có thể xem xét khởi kiện.
Một là chính sách phân biệt đối xử của EU giữa dầu cọ của Indonesia và các nguyên liệu thô từ các nước khác như đậu nành.
Hai là sự phân biệt đối xử của EU giữa dầu cọ Indonesia và các sản phẩm nguyên liệu thô có xuất xứ nội khối.
Ông Sondang cũng cho biết xuất khẩu dầu cọ của Indonesia sang các nước châu Âu đã bị sụt giảm do tác động của RED II và DR.
"Indonesia sẽ mất một thị trường quan trọng đối với mặt hàng dầu cọ. Nhu cầu tiêu thụ sẽ giảm, dẫn đến giá cả loại hàng hóa này giảm sâu," quan chức này nhấn mạnh./.
Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)