Hướng tới xây dựng nền y tế thông minh, hiện đại
Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa dữ liệu trong khám và điều trị. |
Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình trung bình mỗi năm khám và điều trị cho khoảng 70.000 lượt người. Để đáp ứng được nhu cầu của số đông bệnh nhân, thời gian vừa qua, bệnh viện đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa dữ liệu trong khám và điều trị. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp về chuyển đổi số, đơn vị đã áp dụng thực hiện bệnh án điện tử từ cuối năm 2022. Đây là một thành công trong công tác khám, chữa bệnh, bởi bệnh án điện tử là nơi lưu trữ, quản lý thông tin của bệnh nhân, giúp bác sĩ và bệnh nhân có thể dễ dàng tra cứu lịch sử khám bệnh ở bất kỳ đâu nhờ các thiết bị kết nối mạng Internet; đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh chính xác, tránh thực hiện các xét nghiệm không cần thiết gây lãng phí thời gian cho bệnh nhân và đội ngũ cán bộ y, bác sỹ.
Ông Dương Văn Ký, xã Xuân Phương, huyện Phú Bình chia sẻ: "Thực hiện chuyển đổi số, chỉ cần trình căn cước công dân là được tiếp nhận khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc rất thuận tiện, nhanh gọn".
Bác sỹ Đồng Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Bình: "Chúng tôi đã chuẩn bị tốt về nhân lực, phần mềm, phần cứng để đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số của toàn ngành cũng như toàn quốc".
Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đang triển khai đồng thời 4 kênh thông tin để người bệnh, khách hàng liên hệ trao đổi một cách nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện và chính xác. |
Hiện nay, Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên đang triển khai đồng thời 4 kênh thông tin để người bệnh, khách hàng liên hệ trao đổi một cách nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện và chính xác. Theo đó, người bệnh có thể tiếp cận thông tin, đăng kí dịch vụ, đặt lịch hẹn khám, trao đổi tư vấn, khám bệnh từ xa. Nhiều nội dung khác trong quy trình làm việc cũng được đơn vị triển khai với sự hỗ trợ tích cực của công nghệ thông tin, nổi bật như: Lọc dữ liệu tiêm chủng; kết nối liên thông hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn...
Bác sỹ Lê Anh Đức, Phó Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp cận và làm việc với một số công ty liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo trong y học. Đặc biệt, bệnh viện đã hợp tác với Tập đoàn Vingroup, Trung tâm trí tuệ nhân tạo của Tập đoàn FPT và một số công ty nước ngoài".
Theo báo cáo, đến nay đã có 205 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thực hiện kết nối liên thông với hơn 2,4 triệu hồ sơ liên thông trên hệ thống; gần 73% người dân trong tỉnh có hồ sơ sức khỏe; 223 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp điện tử (đạt tỷ lệ 100%). Ngoài ra, 100% cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện chấp nhận một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt… Việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành Y tế đã mang lại nhiều thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh cũng như người dân; giảm phiền hà, tăng chất lượng khám, chữa bệnh, các y bác sĩ có nhiều thời gian cho công tác chuyên môn khi các công việc thủ công được cắt giảm./.