Hoóc môn stress trong tóc dự báo kết quả IVF
Stress và sự thành công của IVF |
Theo Hội sinh sản quốc gia (Anh), đa số phụ nữ làm IVF (một hình thức hỗ trợ sinh sản, trong đó trứng chín được lấy ra khỏi buồng trứng và thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm. Trứng sau khi thụ tinh sau đó được cấy vào tử cung) có tỷ lệ đậu thai từ 25-30% mỗi chu kỳ, mặc dù tỷ lệ này có thể rất khác nhau.
Cơ hội IVF thành công chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, bao gồm tuổi, chỉ số khối cơ thể (BMI), tiền sử thai sản, và các bệnh nội khoa. Cũng có gợi ý rằng stress đóng một vai trò trong khả năng đậu thai thành công khi làm IVF.
Stress đã được biết là làm tăng nồng độ hoóc môn cortisol; một số nghiên cứu đã gợi ý rằng phụ nữ có mức cortisol cao hơn có thể ít cơ hội thành công hơn với thụ tinh trong ống nghiệm, mặc dù các nghiên cứu khác không tìm thấy mối liên hệ này.
"Các nhà nghiên cứu đã quan tâm đến vai trò của cortisol trong việc quyết định kết quả thai sản, nhất là vì cortisol thường tăng liên quan đến stress", GS Kavita Vedhara, Trường Y tại Nottingham giải thích.
"Hiện giới khoa học đang tranh cãi về việc liệu stress có ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và kết quả của thai nghén hay không".
Các nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa nồng độ cortisol và IVF hoàn toàn dựa vào việc đo hoóc môn trong nước bọt, máu và nước tiểu, là những thông số ngắn hạn.
Trong nghiên cứu mới, GS Vedhara và các đồng nghiệp đã đưa thêm mẫu tóc, cho phép đo nồng độ cortisol tích lũy của phụ nữ trong 3-6 tháng trước đó.
Các nhà nghiên cứu đã ghi danh 135 phụ nữ, tuổi trung bình là 35, đã làm IVF trong thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 4/ 2014. Trong số những phụ nữ này, 81 người (60%) đã đậu thai.
Mẫu nước bọt được lấy trong 2 ngày, ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng, 30 phút sau khi thức dậy, và lúc 22:00. Ngoài ra, 88 phụ nữ cung cấp mẫu tóc.
Cả mẫu nước bọt và tóc được đánh giá nồng độ cortisol.
Mức cortisol trong tóc quyết định thành công của IVF |
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nồng độ cortisol trong mẫu nước bọt không liên quan đến kết quả mang thai ở phụ nữ, nhưng mức hoóc môn này trong tóc thì có.
So với những phụ nữ có nồng độ cortisol thấp trong mẫu tóc, những người có nồng độ hoóc môn cao ít có khả năng đậu thai sau IVF hơn 27%.
Kết quả này vẫn đúng sau khi đã tính đến BMI, số trứng lấy ra trong IVF, số trứng được thụ tinh, và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến thành công của IVF.
Theo GS Vedhara, những phát hiện này không gợi ý rằng stress có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thai nghén với IVF, nhưng chúng cho thấy nồng độ cortisol có thể là một chỉ số của sự thụ thai.
Hơn nữa, kết quả gợi ý giảm mức cortisol có thể làm tăng khả năng thành công của phụ nữ khi làm IVF.
"Chúng tôi biết rằng có nhiều yếu tố sẽ ảnh hưởng đến khả năng thành công của IVF và hiện chúng ta chưa hiểu đầy đủ tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Tuy nhiên, tối ưu hóa cơ hội thành công của bệnh nhân khi làm IVF là rất quan trọng và nghiên cứu này cho thấy rằng giảm cortisol trong những tháng trước khi điều trị có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự thụ thai," TS Adam Massey, Trường Y Đại học Nottingham, đồng tác giả của nghiên cứu kết luận.