Hội nghị trực tuyến các chương trình mục tiêu Quốc gia
Tại điểm cầu Thái Nguyên, đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. |
Năm 2017, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân nên đã đạt được nhiều thành công trong thực hiện 2 chương trình mục tiêu Quốc gia là xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Cụ thể, đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đến hết năm 2017, cả nước có trên 3 nghìn xã đạt tỷ lệ 34,4% đạt chuẩn Nông thôn mới tăng 712 xã so với năm 2016; còn 113 xã dưới 5 tiêu chí giảm 144 xã so với năm 2016); có 43 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Năm 2018, cả nước phấn đấu có khoảng 3.530 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, tăng từ 5-6% so với năm 2017; có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới; giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống dưới 60 xã.
Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 6,72%, giảm 1,51% so với năm 2016; trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 5%; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm khoảng 3-4% so với năm 2016, đạt mục tiêu đề ra. Các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đã góp phần cải thiện đời sống cho hộ nghèo, cận nghèo. Năm 2018, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020; cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo.
Tại tỉnh Thái Nguyên, đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 68 xã đạt chuẩn Nông thôn mới bao gồm 4 xã đã chuyển thành phường, thị trấn; 7 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 59 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 9 xã đạt từ 8-9 tiêu chí; bình quân đạt 15,2 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân chung cả nước 13,69 tiêu chí/xã. Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh đã triển khai kịp thời, hiệu quả các các chính sách giảm nghèo của Trung ương cũng như chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù của tỉnh. Nhờ vậy, đến hết năm 2017, toàn tỉnh có hơn 28.800/320.106 hộ nghèo, chiếm 9%, giảm 2,21%; hơn 28.000 hộ cận nghèo, tăng 0,03% so với năm 2016.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận tập trung vào các nội dung: Kinh nghiệm quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia; phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số hướng đến giảm nghèo bền vững; thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao gắn với xây dựng Nông thôn mới.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ khẳng định, những kết quả đạt được của 2 chương trình mục tiêu Quốc gia đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, dự án thành phần thuộc các chương trình mục tiêu Quốc gia; nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững.