Hội nghị Thượng đỉnh EU: Mong chờ quyết định về trì hoãn Brexit
Một trong những điều được chờ đợi nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh EU sẽ khai mạc hôm nay (21/3, theo giờ địa phương) là quyết định của lãnh đạo 27 nước thành viên EU trước đề xuất trì hoãn thời hạn Brexit của Anh.
Gia hạn Brexit
Trong chiều qua (20/3), Thủ tướng Anh Theresa May đã gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đề nghị gia hạn điều 50 Hiệp ước Lisbon về việc Vương quốc Anh rời khỏi EU đến ngày 30/6/2019, trong khi theo quy định thì việc này phải có hiệu lực chính thức vào ngày 29/3 tới. Ngay sau khi nhận được thư của bà May thì ông Donald Tusk cũng thảo một lá thư khác, gửi lãnh đạo 27 nước thành viên EU, đề nghị các nước đồng ý với một sự gia hạn ngắn Brexit, nhưng kèm theo điều kiện, đó là Hạ viện Anh sắp tới phải phê chuẩn thoả thuận mà EU và chính phủ Anh đã đạt được vào cuối tháng 11/2018.
Nhìn chung thì những gì đã diễn ra đến thời điểm này đều khá đúng với những gì mà giới phân tích đã dự báo trước, từ việc Hạ viện Anh bác bỏ thoả thuận Brexit cho đến việc Anh phải xin tạm hoãn Brexit. Báo chí Anh thì từ đầu tuần trước đã đưa tin là Thủ tướng Đức Angela Merkel đã từng nói với Thủ tướng Anh Theresa May rằng việc xin gia hạn Brexit một thời gian ngắn là “rất dễ dàng”.
Ảnh minh họa: Getty. |
Về tổng thể thì đa số cũng cho rằng các nước châu Âu sẽ đồng ý với đề nghị của chính phủ Anh bởi dù không hài lòng với tình thế Brexit hiện nay nhưng phía EU cũng không được lợi gì nếu như Brexit rơi vào kịch bản tệ hại nhất là không có thoả thuận. Phát biểu trên báo giới thì cũng chưa có quan chức châu Âu nào tuyên bố sẽ phản đối Anh gia hạn mà chỉ nói rằng việc gia hạn phải được chứng minh một cách hợp lý, và nước Anh cần phải thuyết phục được châu Âu rằng gia hạn thêm sẽ giải quyết được vấn đề gì.
Thế khó của EU
Trước hết, trong hai ngày họp ở Brussels, 27 nước châu Âu cần đồng thuận về việc đồng ý cho Anh gia hạn Brexit. Khả năng này là cao nhưng vẫn không phải không thể thất bại vì một vài nước, đặc biệt là Pháp, đang có thái độ rất cứng rắn với phía Anh. Tuy nhiên, nếu đồng ý cho Anh gia hạn thì châu Âu sẽ phải đưa ra quyết định tiếp theo là thời gian gia hạn là bao lâu.
Nếu đồng ý với đề nghị của bà May, là gia hạn đến ngày 30/6/2019, thì yếu tố lớn nhất cần cân nhắc là các rắc rối về pháp lý và chính trị liên quan đến cuộc bầu cử châu Âu 2019 sẽ diễn ra từ 23 đến 26/5. Về mặt pháp lý, nước Anh sẽ phải phải tham gia cuộc bầu cử này vì khi đó vẫn là thành viên EU nhưng về mặt chính trị, đây là điều rất khó chấp nhận bởi nước Anh đã quyết định rời EU. Thực ra, nếu như Hạ viện Anh đồng ý với thoả thuận Brexit thì yếu tố này có thể dễ dàng được gạt ra bởi khi đó thời gian gia hạn 3 tháng Brexit chỉ là vấn đề thủ tục kỹ thuật để Nghị viện các bên phê chuẩn. Nhưng nếu trong thời điểm bầu cử châu Âu mà vẫn chưa có thoả thuận Brexit nào đạt được thì châu Âu sẽ phải giải quyết rắc rối pháp lý này.
Một kịch bản thứ hai, là châu Âu từ chối cho phía Anh gia hạn Brexit. Trong trường hợp này thì nếu không có thoả thuận Brexit nào đạt được trước ngày 29/3 thì đến đúng ngày 29/3, nước Anh sẽ rời EU mà không có bất cứ thoả thuận nào và khi đó cả hai bên sẽ phải đương đầu với các hậu quả nặng nề. Đây là kịch bản ít có khả năng xảy ra, dù một số nhà ngoại giao châu Âu đã tiết lộ với báo giới rằng kịch bản này vẫn bỏ ngỏ bởi châu Âu đã quá mệt mỏi với Brexit và bắt đầu có các quan điểm cho rằng phải để người Anh gánh vác trách nhiệm với Brexit không thoả thuận, qua đó thì khi đàm phán về quan hệ tương lai giữa hai bên thì châu Âu cũng sẽ có tiếng nói hơn.
Cuối cùng, cũng có khả năng EU chủ động đề nghị Anh gia hạn Brexit lâu hơn, từ 6 tháng đến 1 năm, để trong thời gian đó tìm kiếm các giải pháp khác. Tuy nhiên, đây là điều khó xảy ra, vì bà Theresa May đã rất miễn cưỡng khi đề nghị EU gia hạn đến ngày 30/6 và tuyên bố là việc trì hoãn Brexit sẽ không thể kéo dài hơn thời điểm đó.
Liệu có tạo ra sự thay đổi?
Đây chính là câu hỏi mà rất nhiều người đã đặt ra khi phía Anh đề nghị tạm hoãn Brexit. Đó là tạm hoãn thêm 3 tháng thì liệu có giải quyết được gì không, khi mà tiến trình Brexit đã trải qua gần 2 năm đàm phán vô cùng chi tiết, mệt mỏi và căng thẳng. Ở đây cần thấy rõ hai khía cạnh.
Thứ nhất, việc tạm hoãn Brexit có tác dụng lớn nhất, đối với cả hai phía Anh và EU, là tạm thời đẩy lùi được nguy cơ về một Brexit không thoả thuận, được cho là vô cùng nguy hại với cả hai phía, đặc biệt là với nền kinh tế Anh. Vì thế, chính phủ Anh đề nghị tạm hoãn là để có thêm thời gian tìm giải pháp. Bà Theresa May đã nói rất rõ điều này trong lá thư gửi ông Donald Tusk, đó là trong thời gian 3 tháng tạm hoãn sẽ tìm mọi cách để Hạ viện Anh bỏ phiếu lại và thông qua thoả thuận Brexit và đề nghị châu Âu giữ vững các cam kết cũng như nhượng bộ về điều khoản backstop.
Phía châu Âu, nếu đồng ý với bà May, thì bên cạnh việc tạm đẩy lùi nguy cơ Brexit không thoả thuận thì cũng tránh được việc biến Brexit thành chủ đề nóng bỏng trong cuộc bầu cử châu Âu cuối tháng 5/2019. Các đảng phái tại châu Âu, đặc biệt các đảng cầm quyền, có thể tập trung hơn vào vận động tranh cử và né được một số chỉ trích về việc tiến hành quá trình Brexit thất bại.
Về việc đàm phán lại thoả thuận Brexit thì khả năng này gần như không có bởi châu Âu đã kiên quyết không đưa ra thêm bất cứ nhượng bộ nào và đã tuyên bố là không có gì để có thể đàm phán thêm. Tuy nhiên, thời gian tạm hoãn 3 tháng cũng có thể giúp hai bên tiến hành điều chỉnh các thoả thuận về “quan hệ tương lai”, tức thay vì điều chỉnh thoả thuận Brexit về việc chia tay thì có thể EU và Anh sẽ bàn nhiều hơn về các ưu đãi trong bản thoả thuận về quan hệ kinh tế tương lai, coi như một cách bù đắp để thuyết phục các nghị sĩ Anh chấp nhận thoả thuận Brexit./.