Hội nghị Malta với những vấn đề định đoạt đến tương lai EU
Hội nghị thượng đỉnh EU đầu tiên trong năm 2017 tại Malta đã kết thúc với niềm lạc quan nhất định song vấp phải không ít sự chỉ trích cùng nhiều thách thức.
Dưới đây là những vấn đề có ý nghĩa quyết định sống còn đến tương lai EU:
Cuộc khủng hoảng nhập cư
Thắng lợi của các phe cánh hữu chủ trương chống việc tiếp nhận người tị nạn trong các cuộc vận động tranh cử ở nhiều nước EU đã gây sức ép không nhỏ đến các nhà lãnh đạo EU khi nhóm họp tại thủ đô Valletta của Malta. Khác với Hội nghị thượng đỉnh EU được tổ chức vào tháng 11/2015 tại đất nước này, Hội nghị EU lần này diễn ra vào thời điểm cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu vẫn chưa tìm được giải pháp tối ưu.
Nhiều người di cư lên bất cứ loại tàu, thuyền nào có thể để đến được bến bờ châu Âu, cho dù những phương tiện này vô cùng rủi ro đến tính mạng của họ. |
Sau khi ký một thoả thuận với Thổ Nhĩ Kỹ về người tị nạn vốn chịu sự chỉ trích gay gắt của các nhóm nhân quyền, các nhà lãnh đạo EU hiện nay tập trung tìm cách ngăn chặn làn sóng nhập cư ồ ạt từ châu Phi đến châu Âu qua Libya và Địa Trung Hải, một trong những thách thức lớn nhất của châu Âu hiện nay. Năm 2016, khoảng 180.000 người đã sử dụng tuyến đường này để đến châu Âu, trong đó trên 5000 người đã bỏ mạng ngoài biển khơi trên đường tìm đến "miền đất hứa” châu Âu.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị Malta, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết EU đang rút ra những bài học về chính sách di trú trong hai năm qua và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phá vỡ các mạng lưới buôn người.
Ủy ban châu Âu quyết định cấp 200 triệu euro để nâng cấp các trại tị nạn ở Libya. Ngoài ra, EU còn dự kiến xây dựng các chương trình đào tạo, trang bị và hỗ trợ lực lượng tuần tra bờ biển quốc gia Libya trong một nỗ lực nhằm chặn đứng các thuyền buôn người và các thuyền con bằng cao su mà nhiều người đã sử dụng để vượt Địa Trung Hải. Trước đây, EU bảo vệ các đường lãnh hải của mình và đưa những người con sống sót trên các con thuyền quá khổ tới Italy để điều trị và hỗ trợ.
Trong khi Uỷ ban châu Âu dường như hài lòng về kết quả đạt được, thì các nhóm cứu trợ đã chỉ trích EU vì lãng quên những giá trị nhân đạo. Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Malta không đề cập đến việc tái định cư hay quyền xin tị nạn. Những người hoài nghi cho rằng tình trạng hỗn loạn tại Libya đồng nghĩa thoả thuận mới này sẽ không bao giờ đem lại kết quả.
Tổ chức phi lợi nhuận Sea Watch chỉ trích gay gắt rằng hội nghị Malta có thể buộc những người tha hương phải tìm kiếm các tuyến đường khác. Tuyên bố của Tổ chức này có đoạn: "Khác với kế hoạch xây dựng bức tường của Tổng thống Mỹ Trump, EU không làm đôi tay mình nhuốm bẩn song vô hình chung lại buộc cảnh sát biển Libya ngăn chặn người hoạn nạn. Điều đó cũng giống như Mexico xây tường còn Mỹ trả tiền."
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump
Trong thư mời gửi các nhà lãnh đạo EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã viết rằng "sếp” mới của nước Mỹ đã đưa ra những tuyên bố có thể được xem là mối đe doạ đến thể chế EU và do vậy EU cần phải thể hiện sức mạnh và tình đoàn kết của mình.
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Thủ tướng Malta, ông Joseph Muscat, cho biết các nhà lãnh đạo EU bày tỏ mối quan ngại về thái độ cũng như một vài quyết định mà tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra gần đây và nhất trí cho rằng đã đến lúc EU cần phải "dẫn đầu ở cấp toàn cầu”.
Song ông Muscat cũng nhấn mạnh rằng EU không chủ trương bài trừ Mỹ. Ông nói: "Chúng ta ý thức về việc giữ mối quan hệ hợp tác với Mỹ song chúng ta cũng cần phải cho thấy rằng chúng ta không thể im lặng ở những vấn đề có nguyên tắc của nó."
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Thuỵ Điển Stefan Loven và Tổng thống Pháp Francois Hollande đồng loạt chỉ trích lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ Trump đối với các công dân từ một số nước Hồi giáo trong thời gian 90 ngày.
Đặc biệt, Tổng thống Pháp Hollande đã buộc tội ông Trump thiếu sự tôn trọng đối với EU sau khi tân Tổng thống Mỹ nhận xét EU như là "công cụ của nước Đức” và tán dương quyết định của Anh rút lui khỏi EU. Trong một loạt những lời khuyến cáo mạnh mẽ, Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng có thể quan hệ giữa châu Âu và Mỹ sẽ không có tương lai nếu "tương lai mối quan hệ này không tìm thấy điểm chung”.
Các nhà lãnh đạo châu Âu còn từ chối gợi ý của Thủ tướng Anh Theressa May rằng bà có thể đóng vai trò cầu nối với chính quyền mới của Mỹ.
Phát biểu tại Hội nghị Malta, Tổng thống Pháp Hollande nói: "Số phận châu Âu đang lâm nguy và không thể để các nước khác định đoạt tương lai của mình."
Brexit
Tương lai một EU không có nước Anh cũng đã được thảo luận tại Hội nghị Malta. Đây cũng là cơ hội đầu tiên để Thủ tướng Anh thảo luận trực diện về Brexit kể từ khi bà đề ra các kế hoạch của mình và các thành viên nghị viện Anh bắt đầu cân nhắc Dự luật cho phép bà kích hoạt Điều 50. Tuy nhiên, bà May đã rời diễn đàn Malta khi các nhà lãnh đạo EU thảo luận về Brexit.
Cuộc họp dự kiến giữa hai nữ Thủ tướng May và Merkel đồng thời bị huỷ bỏ.
Thủ tướng Đức Merkel đã sử dụng diễn đàn Malta để chỉ trích Anh và Mỹ về đề xuất cắt giảm thuế công ty. Bà Merkel phát biểu: " Tôi không thấy có lý do gì đề bước vào một cuộc đua để xem nước nào có thuế công ty thấp nhất."
Bà May tuyên bố sẵn sàng triển khai kế hoạch cắt giảm thuế, trong khi Tổng thống Mỹ cam kết cắt giảm thuế công ty xuống chỉ còn 15%.
Tổng thống Pháp Hollande khuyến cáo Thủ tướng Anh May nên cẩn trọng khi lựa chọn đồng minh. Ông nói: "Nhiều nước cần phải nghĩ đến thực tế là tương lai của mình trên hết và trước nhất là trong phạm vi EU hơn là mường tượng mối quan hệ song phương nào đó với Mỹ."
Về phần mình, Thủ tướng Anh tái khẳng định cam kết duy trì quan hệ đồng minh với EU. Phát biểu sau Hội nghị Malta, bà May phát biểu: "Chúng tôi mong muốn một EU vững mạnh”. "Chúng tôi rời EU chứ không bỏ rơi EU”.
Nga
Lệnh trừng phạt của EU đối với Nga sẽ đáo hạn vào mùa hè năm nay và điều gì sẽ xảy ra sắp tới, bao gồm việc liệu tân Tổng thống Mỹ có đơn phương dỡ bỏ biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga hiện vẫn chưa rõ. Các nước EU như Hungary, Italy và Áo đã tìm cách nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Nga để cho phép các nước này giao thương với Nga. Tuy nhiên, giao tranh mới tái diễn ở miền Đông Ukraine có thể là một yếu tố đẩy lui khả năng bình thường hoá quan hệ giữa EU và Nga.
Cục diện sẽ phụ thuộc vào cách thức đối xử của Tổng thống Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người được ông Trump nhiều lần tán tụng, cũng như tác động của trục quan hệ mới giữa Mỹ và Nga đến những người Đông Âu. Cho dù điều gì sẽ xảy ra, các chính sách của EU đối với Nga sẽ thử thách sự đoàn kết của EU.
Tầm nhìn
Tại Bratislava sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit tại Anh vào tháng 6/2016, các nhà lãnh đạo đã xem xét một cách thực tiễn về tương lai của khối này. Dù các vấn đề như nạn thất nghiệp trong giới trẻ, các đường biên giới bên ngoài hay chiến lược quốc phòng thống nhất có được giải quyết, thì đây chỉ là những biện pháp nhỏ để duy trì sự tin cậy của công chúng. Vào cuối tháng 3 năm nay, 27 nước thành viên còn lại của EU sẽ kỷ niệm 60 năm kể từ khi ký Hiệp ước Rome đặt nền móng cho sự ra đời của EU. Đây có thể là thời điểm EU cần đưa những tầm nhìn mới.
Tại Hội nghị Malta vào ngày 3/2, Chủ tịch EU Donald Tusk cho hay Anh sẽ đóng vai trò hữu ích trong việc thiết lập quan hệ với chính quyền mới của Mỹ song ông cũng cho biết thêm rằng: "Chúng tôi không ảo tưởng. Trong tương lai, chúng tôi sẽ phải trông cậy vào chính 27 nước thành viên".
Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: "Châu Âu nắm số phận của mình trong tay mình. Chúng ta càng biết rõ về cách thức xác định vai trò của mình trên thế giới thì chúng ta càng có thể duy trì tốt hơn các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Trái với các nước đối tác khác trên thế giới, hướng về Rome, chúng ta cần cho thấy chúng ta muốn vị thế của mình ở đâu”./.