hiem hoa ung thu voi phi hanh gia len sao hoa
Con người có thể đặt chân lên sao Hỏa vào thập niên 2030. Ảnh: NASA

Francis Cucinotta, giáo sư vật lý phóng xạ và vũ trụ tại Đại học Nevada, Las Vegas, Mỹ trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature cho biết nguy cơ mắc ung thư của phi hành gia trong sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa cao gấp đôi dự đoán trước đó, theo PopularMechanics.

Trong sứ mệnh thám hiểm hành tinh Đỏ dài ít nhất 900 ngày, phi hành gia sẽ ra khỏi lá chắn bảo vệ của từ trường Trái Đất, bị phơi nhiễm phóng xạ từ tia vũ trụ sinh ra trong các vụ nổ sao hay siêu tân tinh. "Việc phơi nhiễm các tia vũ trụ có thể làm tổn thương nhân tế bào, tạo ra đột biến gây ung thư", giáo sư Cucinotta cho biết.

Nguy cơ mắc ung thư của các phi hành gia tăng gấp đôi vì sự liên lạc giữa các tế bào. "Các tế bào bị hư hại gửi tín hiệu đến tế bào khỏe mạnh lân cận.Những tín hiệu này dường như thúc đẩy các tế bào khỏe mạnh đột biến, tạo thêm khối u hay ung thư".

Phơi nhiễm tia vũ trụ trong thời gian dài có thể dẫn đến ung thư, đục thủy tinh thể, các vấn đề về hệ tuần hoàn... Theo giáo sư Cucinotta, khả năng chống phóng xạ của các phi thuyền không gian hiện nay chỉ giảm một phần nhỏ nguy cơ phơi nhiễm.

NASA mới đây công bố danh sách 12 ứng viên chọn từ hơn 18.300 người đăng ký lên sao Hỏa trong thập niên 2030. Các ứng viên này sẽ tham gia khóa huấn luyện kéo dài hai năm, bắt đầu từ tháng 8.

Vũ Phong