Hà Nội: Làng hoa Tây Tựu rộn ràng chuẩn bị mùa hoa Tết Canh Tý
Người dân tây Tựu thu hoạch hoa cúc. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN) |
Cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 20km về phía Tây, làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nổi tiếng với nghề trồng hoa, là nơi cung cấp hoa chủ lực cho Thủ đô và các vùng lân cận.
Đón Tết Nguyên đán Canh Tý, nông dân nơi đây đã bắt đầu chuẩn bị các khâu gieo trồng, xuống cây, nghe ngóng thời tiết và tràn đầy hy vọng cho một mùa bội thu.
Những chuyên gia "nghe" trời
Thửa ruộng hơn 1.000m2 của anh Đỗ Đắc Nguyên (xóm Đăm Trung, phường Tây Tựu) vừa được gia đình anh "xuống" cây. Trên những luống đất, mầm hoa ly được "nuôi" trong kho lạnh đã đổi màu từ màu hồng non sang màu xanh. Những mầm hoa cao hơn hai chục cm vươn mình trong thời tiết thu vừa sang.
Anh Nguyên cho biết tháng 10 Âm lịch là thời điểm thích hợp để bắt đầu trồng hoa ly để đón Tết. Trước đó, anh đã chủ động tìm mua củ hoa ly từ Hà Lan qua nhà phân phối tin cậy với giá từ 13.000-15.000 đồng/củ. Sau khi được đại lý đưa về tận kho lạnh, củ hoa được xếp lại vào các khay khác, phủ đất và đưa vào kho lạnh để "nuôi."
"Khâu xếp củ khá quan trọng trong toàn bộ quy trình. Củ hoa phải được xếp thẳng, không được đè lên nhau sao cho mầm hoa hướng thẳng lên trên, tránh việc cây hoa bị cong, sau này đem trồng sẽ rất xấu. Sau 15-20 ngày, các mầm hoa sẽ cao khoảng 20cm và được đưa ra ngoài ruộng để trồng," anh Đỗ Đắc Nguyên nói.
Kho lạnh của gia đình anh Đỗ Đắc Luyến (xóm Đăm, phường Tây Tựu) hiện có hàng trăm khay củ của nhiều giống ly đã bắt đầu "trổ" mầm, chờ ngày xuất kho "xuống" đồng. Bằng kinh nghiệm lâu năm, người nông dân Tây Tựu sẽ áp dụng thời gian và kỹ thuật riêng, phù hợp với mỗi giống ly.
Theo tìm hiểu của phóng viên, bên cạnh những kinh nghiệm về kỹ thuật trồng hoa thì kinh nghiệm "nghe" thời tiết của người dân Tây Tựu cũng phải thật tốt.
Với thâm niên trồng hoa nhiều năm liền và cũng đã thành công "ăn" trúng vụ Tết, anh Nguyên bảo, để "ăn" trúng Tết không chỉ cần kinh nghiệm mà phần lớn phụ thuộc vào thời tiết. Ngay từ cuối tháng Chín, anh Nguyên đã tìm đọc những thông tin về dự báo thời tiết dịp Tết, đặc biệt là thời tiết của mùa Đông để quyết định thời gian nhập củ hoa.
Càng gần đến Tết, thông tin về thời tiết càng được người trồng hoa cập nhật và có cách đối phó kịp thời. Họ chia sẻ cho nhau kinh nghiệm "nghe" trời, kinh nghiệm xử lý... nhưng đôi khi không phải lúc nào cũng được như ý. Do đó, năm nay, nhiều người dân ở Tây Tựu đã nhập nhiều loại giống hoa ly trồng ngắn ngày, vừa đỡ tốn công chăm sóc và để không bị động về thời tiết, tránh thiệt hại về kinh tế.
"Nóng, chúng tôi nhập củ muộn hơn một chút. Quy trình sau đó được làm chậm hơn để căn làm sao thu hoạch trúng vào dịp Tết. Sau nhiều năm thời tiết thất thường, khó đoán, nhiều người dân ở Tây Tựu cũng chia ruộng thành nhiều giai đoạn gieo trồng để vào dịp Tết vườn lúc nào cũng có hoa," anh Nguyên tâm sự.
Trước đây, làng hoa Tây Tựu nổi tiếng với các loại hoa truyền thống như hồng, cúc, violet, thược dược… nhưng hiện nay, đa phần người dân chuyển sang trồng hoa ly và cúc là chính do hai loại hoa này tiêu thụ được quanh năm, lại không quá mất công chăm sóc.
Cặm cụi vặt bỏ những nụ hoa li ti, chỉ để lại một nụ chính, anh Nguyễn Văn Phong (xóm Đăm, phường Tây Tựu) cho biết mỗi vụ hoa cúc kéo dài từ 3-4 tháng tùy thời tiết.
Để có hoa phục vụ Tết, người dân phải chuẩn bị mầm hoa được ươm từ cây mẹ của vụ trước. Trồng hoa cúc không được thiếu nước và tránh tuyệt đối sương muối, bọ li ti.
Cây cao khoảng 25cm phải chăng lưới định hình để cây mọc thẳng. Khi cây ra nụ, phải vặt bỏ thật nhanh những nụ hoa kẹ, chỉ để lại một nụ chính để tập trung dinh dưỡng vào nụ hoa này.
Người dân Tây Tựu chăm sóc hoa ly. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Người trồng hoa có còn mặn mà với nghề?
Một số người dân Tây Tựu cho biết năm nay họ giảm diện tích trồng hoa ly đi khá nhiều, thay vào đó là trồng các loại hoa khác như hoa loa kèn, cúc họa mi, đồng tiền…
Anh Đỗ Đắc Luyến chia sẻ năm ngoái, gia đình anh trồng hơn 4 vạn cây hoa ly. Năm nay, anh thu hẹp diện tích, chỉ trồng 1,5 vạn cây. Phần đất còn lại anh trồng hoa cúc và một số loại hoa khác như là hoa loa kèn trái vụ. Thời gian tới, anh có ý định trồng sang hoa đồng tiền.
"Nhu cầu thị trường về hoa ly đã không còn cao như nhiều năm trước đây, cộng với sự bấp bênh về thời gian thu hoạch khiến nhiều nhà trong làng giảm diện tích trồng ly. Nếu 'trượt' Tết, giá hoa sẽ rất thấp, cố lắm cũng chỉ đủ tiền giống chứ không có công. Gia đình tôi cũng bị 'trượt' Tết một lần rồi, may mà không gánh nợ," anh Luyến tâm sự.
May mắn "ăn" trúng Tết, mỗi bó hoa ly 10 cành có thể lên đến 600.000-700.000 đồng nhưng nếu "trượt," trước hoặc sau chỉ một tuần, giá hoa ly xuống thấp thê thảm. Nhiều người dân vay tiền ngân hàng để mua củ hoa, bỏ công chăm sóc hàng tháng trời đành ngậm ngùi bán giá rẻ để mong vớt vát tiền vốn, tránh rơi vào cảnh nợ nần. Sau vài lần như vậy, người dân cũng dần không còn mặn mà với hoa nghề trồng hoa.
Trồng hoa khác thay thế và tránh rủi ro là việc nhiều người dân Tây Tựu đang làm trong mùa hoa năm nay. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nhiều gia đình ở Tây Tựu đã hướng con em mình đi học nghề khác để mong có cuộc sống ổn định hơn.
Anh Đỗ Đắc Nguyên chia sẻ nghề trồng hoa trước đây mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Nhiều người dân trong làng khấm khá hơn từ nghề trồng hoa và hướng con mình theo nghề từ nhỏ. Thế nhưng với thực trạng thị trường hoa ngày càng bão hòa, nhiều giống hoa ngoại nhập lấn át hoa trong nước, người dân Tây Tựu đã không còn mặn mà với nghề truyền thống.
"Nhiều năm gần đây, người dân trong làng đã tìm thuê ruộng ở những nơi xa hơn như Đan Phượng, Sấu Giá, Trôi, Nhổn… mong giữ lại nghề. Một phần vì lứa chúng tôi từ nhỏ chỉ biết trồng hoa nên cũng khó chuyển đổi nghề. Phần nữa là niềm đam mê với nghề đã thấm vào máu nên khó từ bỏ. Nhưng với lớp trẻ, nhiều cháu đã lựa chọn cho mình những nghề khác, chỉ thỉnh thoảng ra đồng phụ giúp bố mẹ mỗi khi vào mùa thu hoạch," anh Nguyên ngậm ngùi.
Làng hoa Tây Tựu đã bắt đầu rộn ràng bước vào vụ hoa Tết mới. Hy vọng năm nay, trời chiều lòng người để người nông dân nơi đây có được một mùa bội thu, bõ công bao ngày tháng nâng niu, chăm sóc từng mầm hoa, mang đến cho đời những sắc hoa lung linh trong nắng Xuân./.
Bàn Linh (TTXVN/Vietnam+)