Gửi ô tô 6 triệu/tháng: Nhà giàu cũng lên cơn đau đầu
Giá đắt theo giờ gửi
Cụ thể, giá trông giữ ô tô tại các tuyến phố tính tăng theo giờ. Tại 12 tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm như Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt..., giá trông ô tô dưới 9 chỗ là 60.000 đồng một lượt 2 giờ; giờ thứ ba, thứ tư, mỗi giờ là 35.000 đồng; từ giờ thứ năm trở đi, mỗi giờ 45.000 đồng. Nếu gửi theo tháng là 3 triệu đồng/tháng vào ban ngày và 4 triệu đồng/tháng, cả ngày lẫn đêm.
Các tuyến phố còn lại của quận Hoàn Kiếm và các quận nội thành khác, có giá 50.000 đồng 2 giờ đầu, giờ thứ ba, thứ tư là 35.000 đồng; giờ thứ năm trở đi mỗi giờ 45.000 đồng. Nếu gửi theo tháng là 2 triệu đồng/tháng ban ngày và 3 triệu đồng/tháng cả ngày lẫn đêm.
Phí trông xe ở Hà Nội: 6 triệu/tháng, đau đầu vì gửi ô tô |
Mức phí mới được áp dụng đã gây ra những phản ứng trái chiều từ phía người dân. Những người sử dụng ô tô, thường xuyên gửi xe tại các phố nội thành, hay các điểm trông xe ngoài trời được cấp phép, tỏ ra khá lo lắng.
Anh Lê Hồng Ninh, nhân viên trông giữ xe tại điểm gửi xe trên phố Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm cho biết, nếu gửi ô tô ở các tuyến phố nội thành 2 giờ đầu, có vẻ không có vấn đề lắm. Nhưng nếu gửi lâu, từ 5 giờ trở lên, phí gửi xe hàng ngày sẽ khá cao. Cụ thể, với 5 giờ gửi xe khách sẽ tốn khoảng 165.000-175.000 đồng; nếu gửi 8 giờ, giá là 300.000 đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với trước.
Với những người sử dụng ô tô đi vào nội thành làm việc, phải gửi xe tại các điểm trông xe trên đường phố, hàng ngày sẽ phải chịu chi phí cao nhất.
Anh Trần Bá Cường, làm việc tại phố Ngô Tất Tố, quận Đống Đa, kể rằng nhà anh tận Hà Đông, hàng ngày đi ô tô đến công ty. Trước đây, anh gửi xe ở khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám, cả ngày chỉ hết 50.000 đồng. Từ đầu năm 2018 giá trông giữ xe tăng cao, gửi cả ngày phải trả đúng 300.000 đồng. Tính ra 1 tháng chi phí cho gửi ô tô hết hơn 6 triệu đồng. Vì vậy, mấy ngày nay. anh Cường chuyển sang đi làm bằng xe máy.
Ông Nguyễn Quang Thành, làm việc tại một DN trên phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn kiếm, cho hay, sân cơ quan không đủ chỗ để xe, nhân viên có ô tô phải đem ra ngoài gửi.
Ông Thành kể: “Tôi thường gửi xe bên phố Lý Thường Kiệt hoặc Quang Trung, năm 2017 chi phí chỉ khoảng 90.000 đồng/ngày, nay hết 300.000 đồng. Hiện tôi rất phân vân, nếu đi ô tô phải chấp nhận phí trông giữ cao, không đi phải sang phương tiện khác”.
Đất nước phát triển thì nhu cầu đi xe hơi sẽ cao, người dân phải được tiếp cận với những phương tiện văn minh hiện đại. Thời gian qua, thành phố không xây bãi trông giữ xe, chỉ lo xây chung cư, trung tâm thương mại,... làm sao không tắc đường, nay lại quay ra kìm hãm nhu cầu của người dân, ông Thành nhận xét.
Tăng phí nhằm giảm xe cá nhân
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ việc tăng phí trông giữ xe, cho đây là quyết định cực kỳ sáng suốt - một giải pháp giúp giảm mật độ xe con vào thành phố và giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội hữu hiệu. Hy vọng đó là điểm sáng trong năm 2018, ông Lê Hòa Bình, trú tại phố Bích Câu, Đống Đa, khen ngợi.
Nhiều ý kiến cho rằng tăng phí trông xe sẽ góp phần giảm thiểu xe cá nhân, hạn chế tắc đường |
“Tăng như thế là đúng. Ai chịu không nổi thì sang buýt. Đường xá quá tải nặng nề rồi, ai cũng chỉ nghĩ cho mình sao được. Hạn chế ô tô nói riêng, toàn bộ phương tiện giao thông cá nhân nói chung tại trung tâm các đô thị lớn là việc nên làm”, anh Nguyễn Văn Kỳ trú tại tòa nhà sông Hồng, đường Thái Hà, Đống Đa nói.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định, việc tăng giá trông giữ phương tiện không ảnh hưởng đến người dân. Trên thực tế, giá trông giữ xe của các đơn vị, cá nhân cao gấp từ 1,5 đến 2 lần so với quy định của thành phố.
Theo quy định, giá trông giữ xe đạp ở mức 2.000 đồng nhưng các điểm trông giữ xe hiện nay thường thu lên 5.000 đồng; xe máy bị thu từ 5.000-10.000 đồng, trong khi quy định là 3.000 đồng; giá trông giữ ôtô bị thu lên 50.000 đồng/hai giờ, trong khi giá quy định là 30.000 đồng,...
Các DN trông giữ xe không được hưởng lợi từ phần tăng phí mà phần này sẽ được điều tiết về ngân sách nhà nước.
Đại diện ngành giao thông Hà Nội cũng nhấn mạnh, đây là một trong những giải pháp được áp dụng nhằm giảm ùn tắc giao thông, giảm phương tiện cá nhân.
Từ nay đến 2020, phương tiện giao thông cá nhân, bao gồm ô tô và xe máy sẽ còn chịu nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ cả về hành chính lẫn kinh tế, nhằm hạn chế phát triển số lượng.
Chẳng hạn, sẽ quy định chủ sở hữu xe ô tô phải lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ công tác quản lý phương tiện và điều tiết giao thông, thu phí tự động. Chủ xe phải mở tài khoản để tiện nộp phí tự động và nộp phạt khi vi phạm.
Ô tô con, xe máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật và gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý.
Hà Nội cũng tiến tới thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn nội thành có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, để hạn chế số lượng xe đi vào. Giảm dần việc cấp phép trông giữ ô tô, xe máy tại lòng đường vỉa hè, dần sẽ cấm sử dụng vỉa hè để trông ô tô xe máy.
Theo Sở GTVT, Hà Nội có hơn 5 triệu xe máy, 500.000 ô tô các loại, trên 1,2 triệu xe đạp và 11 nghìn xe đạp điện, xe máy điện (chưa kể số lượng khoảng 10-15% các phương tiện ngoại tỉnh hoạt động). Tốc độ tăng trưởng bình quân của ô tô là 10,2% và xe máy là 6,7%.
Số lượng các phương tiện tăng nhanh, trong khi đó tốc độ tăng trưởng bình quân chiều dài đường bộ là 3,85%/năm. Diện tích đất dành cho thông còn thấp, mới đạt 8,65% đất xây dựng đô thị, đã tạo áp lực lớn đến kết cấu hạ tầng giao thông, làm gia tăng tình trạng ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Dự báo, số lượng phương tiện cá nhân sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Cụ thể tới năm 2020, số ô tô sẽ tăng lên 843.000 chiếc, xe máy 6,1 triệu chiếc, năm 2025, ô tô là 1.45 triệu chiếc và xe máy là 7 triệu chiếc và năm 2030 ô tô là 2 triệu chiếc và xe máy là 7,5 triệu chiếc.
Tốc độ gia tăng phương tiện cao, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (cả chiều dài và diện tích đường) thấp hơn. Do vậy, cần phải triển khai các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ. Nếu không, tình trạng ùn tắc giao thông sẽ càng trở nên nghiêm trọng.