Giới văn phòng dễ mắc rối loạn tiền đình
Bệnh dễ tái phát
Chị Nguyễn Thị Nhung, 45 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội than thở, những lúc thời tiết chuyển mùa, chị thường bị mất ngủ bởi những cơn chóng mặt, buồn nôn, mỗi lần đứng lên ngồi xuống đầu óc cứ quay cuồng do ảnh hưởng của rối loạn tiền đình. Nghe một số người nói rối loạn tiền đình do thiếu máu não có nguy cơ đột quỵ cao, chị càng lo lắng.
Đang khám tại khoa Nội thần kinh, BV Việt Đức (Hà Nội), chị Phạm Thuỳ Liên mới 30 tuổi đã bị rối loạn tiền đình 2 năm. Chị Liên cho biết: “Bác sĩ cảnh báo, do tôi phải ngồi làm việc bằng máy tính nhiều, nếu ít vận động và tập thể dục thì bệnh rất dễ tái phát”.
Môi trường làm việc căng thẳng, ít vận động dễ mắc rối loạn tiền đình (Ảnh: KT) |
Theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội thần kinh, BV Việt Đức, rối loạn tiền đình ngày càng phổ biến do tiếng ồn, thời tiết khắc nghiệt, thực phẩm nhiễm độc, tâm lý căng thẳng, thiếu máu não và các nguyên nhân khác như nhiễm trùng, nhiễm độc, chấn thương sọ não…
Người bị rối loạn tiền đình thường có những triệu chứng như: chóng mặt, buồn nôn, nhìn mọi thứ thấy quay cuồng, đảo lộn. Ngoài ra, còn có triệu chứng như ù tai, giảm thính lực kèm theo các dấu hiệu thần kinh thực vật (buồn nôn, lo lắng, hốt hoảng, ý thức bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo)...
Nếu trước kia bệnh thường gặp ở lứa tuổi trung niên, người cao tuổi, phụ nữ tiền mãn kinh thì ngày nay bệnh có xu hướng mở rộng đến độ tuổi đang làm việc và cả sinh viên, học sinh. “Giới văn phòng có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình rất cao do làm việc trong môi trường nhiều áp lực, ít vận động, thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính. Bệnh còn liên quan đến ăn ngủ thất thường, tư thế ngồi một chỗ lâu, thoái hoá đốt sống cổ, giảm lưu lượng máu lên não…”, TS.BS Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Bệnh nhân cần được khai thác tiền sử về chấn thương, tiền sử các bệnh lý tai mũi họng (viêm tai mạn tính), tiền sử ngộ độc (ngộ độc thuốc, đặc biệt một số thuốc kháng sinh có thể ảnh hưởng đến chức năng tiền đình), tiền sử về các bệnh mạch máu, dị ứng... “Bệnh có thể diễn tiến trong vài ngày rồi phục hồi nhưng cũng có thể kéo dài hơn.
Người bệnh không nên chủ quan, tự mua thuốc về uống mà không theo chỉ dẫn của thầy thuốc, nhiều khi không điều trị đúng hoặc bỏ sót một số bệnh lý thần kinh khác, khiến người bệnh thường lặp đi lặp lại tình trạng chóng mặt, mất thăng bằng, mệt mỏi. Nguy hiểm hơn, triệu chứng chóng mặt làm tăng nguy cơ té ngã, gây ra tai nạn khi lái xe…
Duy trì chế độ tập luyện
Rối loạn tiền đình ngoại biên thường khởi phát đột ngột, dữ dội hoặc vừa phải, kéo dài vài phút đến hàng giờ, tiến triển thành từng đợt, có thể kèm theo hội chứng ù tai hoặc giảm thính lực. Còn hội chứng tiền đình trung ương thường tiến triển từ từ, mức độ nhẹ, kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng hoặc tiến triển thành mạn tính, không có triệu chứng ù tai hoặc nghe kém nhưng có thể có triệu chứng thần kinh khác.
“Với trường hợp tiền đình ngoại biên thì cần xác định triệu chứng và cho BN dùng thuốc hoặc dùng một số các liệu pháp để điều trị. Đối với tiền đình trung ương, bệnh nhân có thể do tai biến mạch máu não hoặc có thể có khối u thì cần được điều trị lâu dài. Ngoài ra, sau khi được điều trị ổn định, bệnh nhân có thể cần tập phục hồi chức năng tiếp tránh tái phát”, TS.BS Anh Tuấn lưu ý.
TS.BS Nguyễn Anh Tuấn khuyến cáo, đối với những nhóm nguy cơ là những người thường xuyên phải tiếp xúc với máy tính, ngồi lâu, không nên ngồi quá 30 phút, mà phải thường xuyên tập luyện, vận động. Nên duy trì tập luyện thể thao như: yoga, gym, đi bộ, chạy… giúp hạn chế và tránh rối loạn tiền đình./.
Các động tác luyện tập phòng bệnh:
Tập đầu và cổ: Ngửa đầu ra sau, cúi đầu xuống, nghiêng đầu sang phải và sang trái hết cỡ. Quay đầu tròn chữ O bên phải rồi bên trái (khoảng 10-15 lần). Nằm ngửa trên giường, để một tay ở đỉnh đầu, một tay dưới cằm, thật mềm cổ, nhẹ nhàng vặn mạnh cằm về bên trái, rồi về bên phải, có tiếng kêu răng rắc là tốt. Sau đó, lồng các ngón tay với nhau để vào sau gáy, kéo mạnh gập cằm về phía ngực (khoảng 10 lần).
Xoa mặt, mắt, tay: Hai bàn tay xiết mạnh vào nhau cho nóng, xoa đều vào mặt, hốc mắt và tai để tác động vào các nút thần kinh tai, mắt, mặt (khoảng 10 lần).
Tập thể dục như bình thường nhưng phải làm được 3 động tác cơ bản sau đây: Chạy đi chạy lại nhẹ nhàng 8-10 phút. Đứng hơi dạng hai chân, cúi người xuống, đầu ngón tay chạm vào ngón chân cái, vung hai tay và quay mặt về bên trái rồi về bên phải hết cỡ (nhớ là quay cả mặt). Làm 10 lần.