Giáo viên tiếp tục được “cưỡi ngựa xem hoa”?
Điều đó khiến giáo viên “xoay như chong chóng” và rồi rơi vào vòng xoáy của “ma trận” trong việc: Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triền năng lực của học sinh trong thời gian dài vừa qua.
Thời gian gần đây, các Sở Giáo dục và đào tạo tiếp tục có những buổi tập huấn cho các cán bộ quản lí như Phó hiệu trưởng, các Tổ trưởng các tổ bộ môn trong trường học có hai ngày tập huấn (tùy từng tỉnh thành) về “Phương pháp và tổ chức hoạt động học theo nhóm và hướng dẫn học sinh tự học”.
Nội dung buổi tập huấn là một phần nhỏ để bổ sung vào việc thực hiện phương và kĩ thuật dạy học tích cực. Nghe qua, nó thực sự giản đơn nhưng với giáo viên chúng tôi là cả một vấn đề lớn cần bàn bạc vì liên quan đến thay đổi mẫu giáo án (tên gọi có từ xa xưa), nội dung bài học với các bước mới, và đặc biệt một cái mới hoàn toàn là dạy học theo chủ đề với 6 bước, giáo án gọi theo tên mới là Kế hoạch bài dạy, Phân phối chương trình gọi là Kế hoạch dạy học.
Những người được nhà trường cử đi học có buổi tập huấn lại cho giáo viên toàn trường. Buổi tập huấn tại đơn vị của tôi diễn ra trong vòng 45 phút (so với hai ngày của Sở Giáo dục). Người được tập huấn thao thao bất duyệt ở trên máy chiếu, giáo viên bên dưới ghi ghi chép chép. Thỉnh thoảng người hướng dẫn dừng lại hỏi: “Qúy thầy cô giáo có hiểu không?” Một tiếng đồng thanh to, rõ vang lên từ những người đang dự buổi tập huấn: “Không hiểu gì cả”.
Đúng như vậy, làm sao hiểu được khi một lượng nội dung kiến thức thay đổi quá nhiều nhưng thời gian để giáo viên cảm nhận chỉ có 45 phút. Một vài câu than thở vang lên: “Chúng tôi không giỏi để “cưỡi ngựa xem hoa” như thế đâu.” Những giáo viên lớn tuổi thì buông tiếng thở dài: “Chắc đợt này về hưu sớm quá”.
Những câu hỏi liên tục tới tấp đối với người tập huấn. Thầy Tổ trưởng vừa cười gượng vừa trả lời: “Tôi cũng chỉ như quý thầy cô mà thôi, mang tiếng đi tập huấn hai ngày ở Sở nhưng cũng không hiểu gì nhiều.”
Chị em chúng tôi nhìn nhau ngao ngán. Được biết mẫu giáo án mới này sẽ được áp dụng vào năm học 2018-2019.
Có thể nói rằng, đội ngũ giáo viên luôn hoan nghênh tinh thần đổi mới của Bộ GD-ĐT nhưng thiết nghĩ rằng: Làm việc gì cũng cần có thời gian và thay đổi từ từ, đi từ thấp tới cao, từ dễ đến khó và cần áp dụng từng bước một nhằm hoàn thiện mục tiêu của giáo dục.
Câu chuyện cười chảy nước mắt đang diễn ra ở trường tôi. Sau khi được học 45 phút, mỗi phân môn về biên soạn một mẫu giáo án mới nộp về cho Phòng GD. Và đợt Sinh hoạt chuyên môn lần này về đúng trường học của tôi. Và thế là tổ của tôi có thêm một nhiệm vụ dạy một tiết theo “Phương pháp và tổ chức hoạt động học theo nhóm và hướng dẫn học sinh tự học” với giáo án mới (thực hiện 6 bước trên) và dạy học theo chủ đề để Phòng và Sở GD về dự. Khỏi phải nói đến không khí của buổi họp lúc đó “căng như dây đàn” vì không giáo viên nào “đủ tầm” để đứng ra dạy.
Duy chỉ có một người có khả năng làm được nhưng thầy lại từ chối, đó là Tổ trưởng - người vừa được tập huấn ở Sở hai ngày và vừa có 45 phút truyền tải đến đến giáo viên trong vòng 45 phút nhưng thầy cũng từ chối.
Nói thật, với 45 phút ngồi nghe và ngâm cứu tài liệu mà một giáo viên trẻ như tôi còn hết sức mơ hồ và thật sự tôi chưa đủ tự tin để làm một việc là đứng ra dạy thử nghiệm một tiết và mang tiếng là đại diện cho Tổ, cho Trường, cho Phòng trước những chuyên viên của Sở GD.
Giáo viên chúng tôi cần hơn nữa thời gian để tìm tòi, học hỏi, để nghiên cứu, giáo viên cần hơn nữa những tiết dạy mẫu của những chuyên viên của Phòng, của Sở để chúng tôi học hỏi chứ không cần lí thuyết suông như thế, rồi chúng tôi phải mò mẫm trong một mớ kiến thức hỗn độn, nhọc nhằn giữa cũ và mới.
Để rồi mãi “ngụp lặn” trong bể kiến thức lí thuyết mà thiếu thời gian dạy “cách làm người” cho học sinh thì thật là đáng tiếc.