Trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về các vấn đề liên quan đến biên chế ngành giáo dục, hiện tượng dôi dư giáo viên tại một số địa phương trong phiên họp quốc hội sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết hiện nay, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục công lập có số lượng hợp đồng làm công tác chuyên môn rất lớn.

giao vien hop dong lau nam se duoc uu tien xep vao bien che
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời các vấn đề liên quan đến biên chế ngành giáo dục.

Điều đáng nói là có đơn vị nguồn nhân lực trong biên chế vẫn chưa dùng hết nhưng vẫn tuyển dụng giáo viên hợp đồng.

"Trong Nghị quyết 19 và Nghị quyết 08, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ tình trạng tự duyệt biên chế hoặc giao biên chế cao hơn so với biên chế của cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định. Chúng ta phải rà soát lại ngay việc này trong năm 2018", Bộ trưởng Tân chỉ rõ.

Để thực hiện nghiêm vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục công lập rà soát lại số lượng biên chế được giao, tiến hành đánh giá năng lực đối với các giáo viên.

Đồng thời, vị này cũng đề nghị Bộ GD-ĐT có quy định để giảm tỷ lệ biên chế của những bộ phận gián tiếp quản lý trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, cần sắp xếp để số người trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ phải trên 65%. Khắc phục tình trạng hiện nay khi số người làm công tác hành chính còn quá lớn.

Bộ trưởng Tân nhấn mạnh thêm rằng: "Những nơi nào còn thiếu, cần đáp ứng ngay, không thể để tình trạng học sinh không có giáo viên dạy, người bệnh không có bác sỹ. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần cân đối trong số biên chế đã được giao".

Bộ Nội vụ cũng đề nghị các địa phương, ngành giáo dục sắp xếp và tính toán lại trong định mức, đối với số lớp trong trường, số giờ giảng của giáo viên, từ đó cân đối lại trong số biên chế được giao.

Theo Bộ trưởng Tân, tại kỳ họp lần thứ tư của Chính phủ thường kỳ cũng đã nói tới vấn đề tuyển dụng viên chức đã thừa so với được giao. Chính phủ đã giao cho các địa phương rà soát, bố trí giải quyết công việc cho những giáo viên này trước, trong trường hợp không sắp xếp được sẽ tinh giản biên chế. Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế để cân đối lại dựa trên mức độ tăng dân số cơ học. Việc cân đối phải đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu người phục vụ trong các trường học.

Riêng về giáo dục mầm non, ông Tân cho biết, hiện nay, giáo viên ký hợp đồng tại các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tuyển dụng của công chức. Tuy nhiên trong thực tế, thời gian qua khi chuyển đổi từ các trường tư thục hoặc bán công sang các cường mầm non công lập đã đặt ra nhiều vấn đề cần xử lý.

"Chính phủ đã có quy định đối với giáo viên mầm non, chúng ta vẫn thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động trong định mức giáo viên được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các cơ sở giáo dục mầm non công lập và hưởng chế độ chính sách như viên chức. Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã chỉ đạo cho các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, sắp xếp, chấm dứt việc hợp đồng lao động làm chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Tức là trừ những đơn vị đã thực hiện tự chủ tài chính thì được tự do tuyển chọn, quyết định về số người làm việc. Số còn lại phải rà soát để chấm dứt tình trạng này", Bộ Trưởng Tân cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, riêng đối với lĩnh vực giáo dục và y tế, Thủ tướng đã có chỉ đạo các địa phương phải cân đối, đảm bảo đủ giáo viên, bác sĩ để cung ứng.

"Quan điểm của Bộ Nội vụ là đề nghị các địa phương chưa thực hiện việc chấm dứt hợp đồng làm chuyên môn đối với đội ngũ giáo viên còn trong định mức biên chế, mà tiếp tục nghiên cứu. Bên cạnh đó, cũng cần ưu tiên những giáo viên đã hợp đồng lâu năm và có trình độ, năng lực đảm bảo yêu cầu thì có chính sách ưu tiên tuyển dụng vào biên chế. Cuối cùng không sắp xếp, không tuyển dụng được chúng ta mới tính đến vấn đề tinh giản biên chế theo đúng Nghị định 108 của Thủ tướng Chính phủ", ông Tân lưu ý./.