Giám sát, phản biện ngày càng đi vào thực chất
“Con đường đổi đời” chạy qua trung tâm làng đào Cam Giá, TP Thái Nguyên |
Con đường liên tổ chạy qua trung tâm làng đào Cam Giá được đưa vào sử dụng từ giữa năm 2022. Bà con nơi đây vẫn gọi vui đây là “con đường đổi đời”. Bởi từ khi được mở rộng 3,5m thay vì 2m như trước đây, việc buôn bán của bà con làng đào đều gấp 5 gấp 10 khi trước. Tổng kinh phí xây dựng 11 tỷ đồng, bà con đối ứng gần 4 tỷ. Quá trình thi công trong 6 tháng cũng không gặp khó khăn, vướng mắc khi tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được phát huy.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Ban Thanh tra nhân dân, Phường Cam Giá, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Để làm tuyến đường này chúng tôi đã có năm văn bản đề nghị lên chủ đầu tư. Ví dụ khi đi khảo sát trên thực tế đoạn đường nào đó bà con bảo nó hơi lượn, bà con đồng ý hiến đất, lúc ấy chúng tôi vẫn có kiến nghị lên ủy ban giải quyết luôn. Về chất lượng chúng tôi làm rất chặt chẽ, có ba lần không chấp nhận vật tư, không đảm bảo chúng tôi kiên quyết trả lại để đảm bảo được chất lượng của đường".
Hơn 100 cuộc giám sát do MTTQ huyện chủ trì, 200 cuộc giám sát do HĐND, Viện Kiểm sát nhân dân huyện chủ trì, hoạt động giám sát, phản biện thông qua hoạt động của MTTQ huyện Đồng Hỷ đang hướng vào các chủ đề, lĩnh vực “nóng”, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Cùng với giám sát, công tác phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội được đẩy mạnh. Nhiều nội dung phản biện đối với các văn bản dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh sửa.
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ cho biết: "Trong nhiệm kỳ qua Mặt trận Tổ quốc huyện đã chủ trì tổ chức phản biện được ba văn bản dự thảo, tôi cho rằng đây là một điểm mới. Mặc dù đã có chỉ đạo, hướng dẫn từ các năm trước nhưng để tổ chức thực hiện phản biện xã hội thì đối với cấp huyện và cấp xã là hết sức là khó khăn, lúng túng trong phương pháp. Chính vì vậy chúng tôi đã tập trung và chọn ngay từ đầu nhiệm kỳ đại hội để xác định các văn bản dự thảo và giám sát".
Đổi mới hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo phương châm: thực chất, có trọng tâm, trọng điểm, là một trong những định hướng quan trọng trong nhiệm kỳ 2024 - 2029 của MTTQ tỉnh Thái Nguyên |
Trong nhiệm kỳ qua Mặt trận Tổ quốc huyện Đồng Hỷ đã chủ trì tổ chức phản biện được ba văn bản dự thảo |
Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện, nhiệm kỳ qua Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh đã chủ trì giám sát 52 chuyên đề, phản biện xã hội 22 dự thảo văn bản; phối hợp tham gia giám sát với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và chính quyền cùng cấp trên 2.400 cuộc; phối hợp tổ chức trên 1.600 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân… Qua đó góp phần giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành; các văn bản được ban hành đảm bảo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn.
Ông Ngô Quang Bắc, Thành viên Hội đồng tư vấn, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Trong thời gian qua Hội đồng tư vấn của Mặt trận được tham gia vào rất nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Chúng tôi ý thức rằng trong Chỉ thị số 18 của Ban Chấp hành Trung ương có nói rõ về nhiệm vụ của công tác mặt trận đối với hoạt động giám sát và phản biện xã hội là làm sao trong thời thời gian tới phải đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giám sát để nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác giám sát, giám sát phải đi vào những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, những vấn đề bức xúc xã hội, những vấn đề mà hiện nay mọi người đều muốn làm rõ".
Đổi mới hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo phương châm: thực chất, có trọng tâm, trọng điểm, là một trong những định hướng quan trọng trong nhiệm kỳ 2024 - 2029 của MTTQ tỉnh Thái Nguyên, để Mặt trận thực sự là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.