giam doc tre giau long nhan ai
Công nhân Công ty TNHH MTV thương mại Hùng Sơn đóng gói sản phẩm chè xanh

Sinh ra và lớn lên giữa vùng chè Đại Từ, từ anh Đỗ Mạnh Hùng, ở tổ dân phố An Long, thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) đã quen thuộc với việc trồng, chăm sóc và chế biến chè. Tuy nhiên, thời điểm năm 2000, giá trị cây chè thấp, nhà anh qua mấy đời làm chè vẫn nghèo. Vì vậy học xong THPT, anh Hùng không ở nhà sản xuất chè mà đi vào T.P Hồ Chí Minh tìm cơ hội lập nghiệp. Với sự nhanh nhẹn, giao tiếp tốt, anh đã được nhận vào làm nhân viên bán hàng tại siêu thị BigC. Sau 1 năm cố gắng khẳng định năng lực của mình, anh được chuyển ra Hà Nội làm việc tại BigC Thăng Long và sau đó được mời sang phụ trách bộ phận bán hàng tại siêu thị Metro Hà Nội.

Mặc dù đã theo đuổi sự nghiệp riêng, nhưng anh Hùng luôn trăn trở về cây chè, về cuộc sống của bà con vùng chè quanh năm dãi dầu vẫn khó khăn chồng chất. Thương người dân trồng chè, đồng thời cũng cảm thấy tiếc nuối cho danh hiệu Đệ nhất của cây chè xứ Thái, ngoài thời gian làm việc tại siêu thị, anh Hùng cầm sản phẩm chè của quê hương đi gõ cửa khắp nơi từ các doanh nghiệp lớn kinh doanh về chè cho đến quán trà đá vỉa hè để giới thiệu về chè Thái Nguyên. Đã có lần trong khi mang chè đi giới thiệu với doanh nghiệp, anh bị một vị khách cầm cả túi chè ném ra cửa do không tin anh là người con của đất chè Thái Nguyên.

Sau lần đó, để tạo niềm tin cho khách hàng, anh về địa phương viết một lá đơn xin xác nhận hộ khẩu thường trú ở địa phương. Từ đó, lá đơn này đã theo anh đi khắp nơi để tìm đầu ra cho sản phẩm chè. Sau một thời gian chật vật vừa làm việc tại siêu thị, vừa đi bán chè, anh Hùng ngộ ra rằng, với cách thức này thì lượng chè bán được cũng chẳng là bao, hơn nữa giá chè lại thấp. Suy nghĩ mãi, cuối cùng anh quyết tâm phải làm gì đó để nâng giá trị sản phẩm chè của địa phương lên. Từ đó, anh lao vào tìm tòi, học hỏi về cách sản xuất các sản phẩm chè mong tạo sự mới mẻ cho sản phẩm chè và có thể đáp ứng được mọi sở thích uống trà của khách hàng.

Đến năm 2010, anh quyết định bỏ việc ở siêu thị về nhà mở ra Công ty TNHH MTV Thương mại Hùng Thái với mong muốn đưa chè Thái Nguyên đi chinh phục thị trường. Ngày đầu thành lập công ty, biết bao khó khăn vất vả, vừa phải học hỏi, thử nghiệm để sản xuất các sản phẩm chè, vừa đi khắp nơi tìm đầu ra cho sản phẩm. Anh cho biết: Cái khó về vốn thì có thể xoay xở bằng cách vay mượn người thân, ngân hàng, nhưng khó khăn về đầu ra thì đòi hỏi một mặt tôi phải sản xuất ra được sản phẩm tốt, mặt khác phải mạnh dạn trong việc thâm nhập thị trường, cần đến có sự năng động, con mắt nhìn nhận, đánh giá thị trường để đưa ra các sản phẩm phù hợp.

Cứ như vậy, ban đầu, Công ty tập trung sản xuất một số loại chè xanh, chè đen ướp hương rồi bán ra thị trường, dần dần để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng, anh đã nghiên cứu sản xuất thêm nhiều sản phẩm trà dược liệu như: Atiso, gừng, gạo lứt, giảo cổ lam, chùm ngây… Theo anh, để sản phẩm có thể vào được thị trường, được người tiêu dùng đón nhận thì cần coi trọng yếu tố chất lượng. Mà để sản xuất ra các sản phẩm chất lượng thì phải có nguyên liệu đầu vào tốt. Nghĩ thế, anh xây dựng riêng vùng chè nguyên liệu cho Công ty với gần 20ha ở các vùng chè ngon nổi tiếng như: Khuôn Gà, La Bằng…

Ngoài ra, anh còn trồng 5ha cây chùm ngây và atiso để đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, đồng thời chủ động về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Toàn bộ diện tích chè và dược liệu của anh đều được thực hiện trồng, chăm sóc an toàn, không sử dụng các loại phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Cùng với quan tâm đến nguyên liệu, anh đã liên tục đầu tư thiết bị máy móc phục vụ sản xuất. Từ chiếc máy hàn miệng túi trị giá 1,5 triệu đồng ban đầu, đến nay, anh đã sở hữu 1 nhà xưởng với hệ thống dây chuyền sản xuất hoàn thiện gồm 20 loại máy khác nhau, tổng đầu tư cho máy móc trên 2 tỷ đồng. Một thành công lớn là nhiều sản phẩm của Công ty đã được đưa vào hệ thống các siêu thị lớn trên toàn quốc như: Metro, BigC, Vincom, Co.opmart, Fivimart, Hapromart… Điều này càng chứng tỏ chất lượng sản phẩm của Công ty đã được các tổ chức, doanh nghiệp, người tiêu dùng ghi nhận.

Cũng nhờ những hợp đồng tiêu thụ tại các siêu thị lớn, nên đầu ra sản phẩm của Công ty khá ổn định. Hiện nay, cùng với việc xuất bán khoảng 50 tấn chè búp khô mỗi năm, Công ty còn sản xuất và cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn chè dược liệu các loại với 25 sản phẩm. Doanh thu của Công ty trên 7 tỷ đồng/ năm. Năm 2017, Công ty đặt ra mục tiêu đạt tăng doanh số 10 tỷ đồng.

Không chỉ là người năng động, mạnh dạn trong đầu tư phát triển kinh tế, góp phần đưa sản phẩm chè của địa phương đến với người tiêu dùng cả nước, anh Hùng còn là một giám đốc trẻ tuổi giàu lòng nhân ái. Ngay từ ngày đầu thành lập Công ty, anh đã hướng đến mục tiêu tạo việc làm cho những người khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Và sau gần 7 năm hoạt động, đến nay tôn chỉ của Công ty vẫn là ưu tiên tạo việc làm cho người khuyết tật. Những người sau khi được nhận vào làm, sẽ được đào tạo, nuôi ăn, người không có chỗ ở còn được bố trí chỗ ở.

Anh Hùng chia sẻ: Đối với bất cứ doanh nghiệp nào thì nguồn nhân lực là rất quan trọng, nên hầu hết doanh nghiệp đều không nhận công nhân là người khuyết tật. Riêng Công ty chúng tôi, với đặc thù là công việc nhẹ nhàng, chủ yếu sản xuất bằng máy, con người chỉ hỗ trợ thêm, nên người khuyết tật cũng có thể làm được. Tuy nhiên, để làm được như vậy cũng không phải dễ, việc dạy nghề cho các đối tượng này hết sức khó khăn, cần phải có sự kiên trì, đặc biệt là có tình thương sâu sắc, luôn coi họ như người thân trong gia đình mình. Dạy nghề đã khó, để họ làm được việc như mong muốn còn khó hơn bởi ngoài việc sức khỏe có hạn, trình độ nhận thức cũng hạn chế nên tôi phải thường xuyên giám sát, cầm tay chỉ việc.

Hiện nay, Công ty có 6 nhân viên đều là người khuyết tật tay, chân… Từ những người khuyết tật không thể nuôi sống bản thân, thậm chí phải cần đến người chăm sóc, chỉ sau một thời gian anh Hùng nhận vào Công ty, họ đã được học nghề, làm việc và tự nuôi sống bản thân, sống vui vẻ và tự tin hơn. Ngoài được nuôi ăn, ở, những công nhân ở đây có mức thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Dẫn chúng tôi đi thăm khu nhà xưởng nơi có những công nhân là người khuyết tật đang làm việc, anh Hùng tâm sự: “Dù biết không thể chia sẻ được hết những khó khăn, thiệt thòi của những người khuyết tật, nhưng tôi hy vọng những gì tôi làm có thể giảm bớt phần nào khó khăn cho những người không may mắn này”./.