Giảm chỉ tiêu trường công có “cứu” được ĐH ngoài công lập?
Một trường ĐH tư thành lập thì có 2,6 trường ĐH công ra đời. |
Theo TS. Lê Trường Tùng, chủ tịch hội đồng quản trị trường ĐH FPT, từ năm 2006 đến nay, chính sách với giáo dục ĐHNCL ngày dường như càng siết chặt. Nguyên nhân chính có lẽ là lo lắng của xã hội về chất lượng giáo dục ĐH, sự bất an của xã hội khi báo chí truyền tải về sự bất ổn trong tuyển sinh và trong quản trị của một loạt trường ĐH NCL như ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Chu Văn An, ĐH Hữu Nghị, ĐH Hùng Vương, ĐH Tân Tạo, ĐH Phan Châu Trinh...
“Nguyên nhân chính được xem dường như do việc mở rộng quá nhanh khối ĐH NCL. Nhưng trong 15 năm qua, có 43 trường ĐHNCL được thành lập và cùng thời gian đó có 111 trường ĐH công lập ra đời. Tức cứ một trường ĐH tư thành lập thì có 2,6 trường ĐH công ra đời” – TS. Lê Trường Tùng khẳng định.
Cùng với chủ trương xã hội hóa giáo dục, Việt Nam từng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có khoàng 30 – 40% sinh viên học tại các trường ĐHNCL. Nhưng con số đến nay vẫn chưa được 14%. Vài năm trở lại đây, tình trạng tuyển sinh của phần lớn các trường ĐHNCL khá èo uột.
Một trong những giải pháp đưa ra để “cứu” các trường ĐHNCL là nên giảm chỉ tiêu các trường ĐH công lập. Trước đề xuất này, GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng ở Mỹ có phân tầng ĐH rất rõ ràng, tầng trên tuyển 12% chỉ tiêu của bang đó, tầng giữa khoảng 30%, còn lại tầng dưới. Ở Việt Nam, mới có phân công chưa phân tầng. Phần lớn các trường muốn tuyển sinh thật nhiều để tăng thu nhập, nên lấn sang tầng dưới. Tầng dưới chủ yếu là các trường ĐH NCL. Các trường tầng dưới khó tuyển sinh, các trường tầng trên vét hết thí sinh.
Chính vì vậy, GS.Lâm Quang Thiệp cho rằng không phân biệt công tư, các trường ĐH ở tầng nào làm đúng “phận sự” ở tầng đó, đúng theo chức năng nhiệm vụ của mình. Dù chưa có quy định rõ ràng nhưng Bộ cũng đã có quy định 16 trường ĐH, học viện trọng điểm quốc gia, 2 ĐH quốc gia và 5 ĐH Vùng. Đó là ĐH tầng trên. Các trường này nên làm nhiệm vụ của mình, không nên lấn sân tầng dưới.
Không thể cắt cơ học
Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục lại đưa ra quan điểm cho rằng việc cắt chỉ tiêu của các trường nếu không cẩn thận là vi phạm quyền tự chủ. Hiện Bộ cũng có quy định xác định chỉ tiêu đối với tất cả các trường ĐH (thông tư 57 và thông tư 32). Nên vị chuyên gia này đặt câu hỏi cơ sở cắt giảm thế nào? Muốn thế, các cơ quan quản lý phải có dự báo.
“Ngành nào thừa phải giảm tỷ lệ sinh viên/giảng viên, cho phép thu tăng học phí để bù lại. Không thể cắt cơ học mà cắt trên cơ sở khoa học. Nếu không, lại rơi vào nghịch lý dùng bàn tay nhà nước điều tiết thị trường. Chưa kể cơ hội việc làm, sau này ai chịu trách nhiệm. Ba vấn đề được học, học được, làm được là ba yếu tố gắn bó với nhau. Chính vì vậy, không thể dùng “quyền” của nhà quản lý để “ép” người học phải “ăn món ăn tồi” – vị chuyên gia này đề xuất.
Mặt khác, chuyên gia này cũng khẳng định về bản chất là trường công đúng là phải giảm chỉ tiêu. Nhưng do học phí trường công thấp nên họ phải lấy số lượng bù học phí. Vì vậy nhà nước phải cho phép các trường được tăng học phí đảm bảo đào tạo. Ai cũng biết giáo dục ĐH phải phân tầng nhưng vấn đề cốt lõi là tài chính.
Trường công cũng không tuyển đủ chỉ tiêu
Thông kê mùa tuyển sinh năm 2016 của Bộ GD&ĐT cho thấy, nhiều trường còn chỉ tiêu nhưng vẫn không có người học. Cả hệ thống chỉ tuyển được 75% chỉ tiêu. Ngay cả ĐH Thái Nguyên (một trong số các ĐH vùng) cũng chỉ tuyển được 65% chỉ tiêu.
Cũng trong mùa tuyển sinh năm 2016, chỉ có khoảng hơn 40 trường ĐH tuyển sinh được trên 95% chỉ tiêu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cũng khẳng định kết thúc xét tuyển đợt NV1 năm 2016, cả nước còn khoảng trên 100.000 thí sinh trên điểm sàn nhưng không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2. “Vấn đề là thí sinh không có nhu cầu học ĐH chứ không phải tại trường công hay trường tư”- Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.