Gần dân, hiểu dân để tuyên truyền, vận động
Nghe đồng bào nói, nói đồng bào hiểu
Tiếp chúng tôi vào giờ nghỉ trưa, Đại tá Phạm Ngọc Tuấn, Tư lệnh Binh đoàn 16 tranh thủ giới thiệu về chủ trương mới của Đảng ủy, Bộ tư lệnh binh đoàn là dạy tiếng đồng bào dân tộc thiểu số cho cán bộ cấp đội sản xuất trở lên. Theo kế hoạch, binh đoàn chỉ đạo mở các lớp học tiếng M’nông, S’tiêng, Khơ-me, Mông… từ tháng 4-2017. Anh Tuấn cho biết: “Muốn tuyên truyền, vận động, giúp đỡ đồng bào hiệu quả thì phải hiểu phong tục, tập quán của từng dân tộc. Để công việc đạt hiệu quả cao thì một yêu cầu không kém phần quan trọng là phải nghe và nói được tiếng của đồng bào”. Đầu tháng 4, công tác chuẩn bị cho các lớp học đã hoàn tất; đội ngũ giáo viên được lựa chọn từ một số cán bộ của đơn vị và địa phương.
Cán bộ Trung đoàn 720 thăm già làng bản Giang Châu (xã Đắc Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông) và trao đổi nội dung về công tác dân vận. |
Trung đoàn 726 đóng quân trên địa bàn xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông, hiện đang quản lý một diện tích lớn đất dự án. Trên địa bàn xã có 19 dân tộc, chủ yếu là đồng bào M’nông (chiếm khoảng 40% dân số toàn xã). Để lớp học tiếng M’nông diễn ra thuận lợi, trung đoàn chủ động chuẩn bị giáo viên, liên hệ với các đồn biên phòng hỗ trợ thêm. Theo Thượng tá Lê Xuân Lập, Chính ủy trung đoàn, hiện đơn vị có Trung úy QNCN Dương Minh Phan, Đội phó Đội 1 đã qua khóa học tiếng M’nông do tỉnh Đắc Nông tổ chức; một nữ trí thức trẻ tình nguyện là người dân sở tại, đã tốt nghiệp đại học sư phạm, thạo tiếng dân tộc thiểu số có thể đứng lớp. Ngoài ra, đơn vị cũng mời thêm một giáo viên dạy tiếng M’nông. Học viên được trung đoàn lựa chọn kỹ, đồng thời bảo đảm tốt về cơ sở vật chất, địa điểm. Lớp học tiếng M’nông và tiếng Khơ-me do đơn vị tổ chức đã khai giảng vào đầu tháng 4 vừa qua.
Các Trung đoàn: 717, 719, 720 thuộc binh đoàn cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị, tổ chức khai giảng các lớp học theo đúng kế hoạch của Bộ tư lệnh binh đoàn.
Tuyên truyền bằng việc làm cụ thể
Trong khuôn viên Đội 7 và Đội 8 (Trung đoàn 717) có những vườn rau xanh đẹp mắt, nhiều chủng loại, được quy hoạch gọn gàng, thống nhất. Ở nơi đất cằn biên ải, những vườn rau vẫn lên xanh mơn mởn. Thấy chúng tôi chăm chú ngắm vườn rau, Thiếu tá Phạm Văn Nghĩa, Phó trung đoàn trưởng quân sự Trung đoàn 717 chia sẻ: “Đây là hai vườn rau mẫu đơn vị triển khai trồng để vừa cung cấp rau xanh cho đồng bào trong vùng dự án kinh tế-quốc phòng, vừa làm mô hình cho bà con học tập để tự trồng rau tại vườn nhà. Đến nay, một số hộ đồng bào đã có vườn rau xanh cải thiện đời sống”.
Chị Điểu Thị Thúy, ở xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, cho biết: "Mình và bà con thấy vườn rau của bộ đội xanh tốt, được bộ đội cho ăn thử rau rất ngon, nên tin và làm theo". Thực tế ở Binh đoàn 16 cho thấy, tiến hành công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số phải kiên trì, bằng những việc làm cụ thể, “tai nghe, mắt thấy, tay cầm”, mang lại lợi ích thiết thực đối với đời sống của bà con mới đạt được kết quả.
Chúng tôi đi khảo sát hệ thống loa truyền thanh được Trung đoàn 717 trang bị tới các cụm dân cư trên địa bàn, luôn phát đều đặn vào thời gian cố định trong ngày, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những quy định của chính quyền địa phương và hướng dẫn bà con thực hiện nếp sống văn minh… Trung tá Nguyễn Hữu Tuyên, Chính ủy trung đoàn tâm đắc: “Nói kết hợp với làm trước, làm mẫu, khi có kết quả thực sự thì bà con tin và làm theo ngay”.
Cũng với phương pháp dân vận thiết thực, hiểu “cái bụng” của đồng bào để tuyên truyền vận động, chuyện của Thượng tá Lê Xuân Lập là một ví dụ. Cách đây vài năm, khi anh Lập còn công tác ở Trung đoàn 735, thực hiện chủ trương của tỉnh Bình Phước quy hoạch đất làm khu thương mại, trung đoàn được giao đảm nhiệm một số hạng mục của dự án. Khi bắt đầu triển khai thì nhiều thanh niên địa phương tụ tập tại nhà bà Tư ngăn cản đơn vị thi công. Khuyên giải nhiều lần không được, hôm đó anh Lập trực tiếp tới nhà bà Tư để vận động. Anh thăm hỏi cuộc sống hằng ngày, rồi đề nghị cho đơn vị tổ chức một bữa cơm ngay tại gia đình, mời những thanh niên đang có hành vi gây cản trở thi công cùng ăn cơm với bộ đội. Trong bữa cơm, anh Lập kể những câu chuyện về bản lĩnh của người lính, tình cảm quân-dân gắn bó trong chiến tranh và cả thời bình. Rồi anh giải thích cụ thể cái lợi của khu thương mại đối với bà con và với gia đình bà Tư khi tạo sự thuận tiện cho mọi người mua sắm trong dịp lễ, Tết, cúng giỗ ông bà, cưới gả con cái… Sau bữa cơm ấy, các đội của Trung đoàn 735 không chỉ thi công thuận lợi, mà còn được bà Tư cho mượn địa điểm để triển khai công tác hậu cần…
Ông Đoàn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực bộc bạch: “Bộ đội có nhiều cách làm dân vận hay lắm, như trường hợp của gia đình bà Tư, bộ đội chỉ cho người dân thấy cái lợi mà họ được hưởng cũng như sự ổn định, đi lên của địa phương khi triển khai dự án, thì dân vận sẽ thành công”./.