Đưa nội dung về phòng chống xâm hại trẻ em vào giảng dạy
Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em.
Đó là những nội dung chú ý trong ý trong kế hoạch triển khai chiến dịch truyền thông Luật Trẻ em (có hiệu lực từ ngày 1/6/2017) và phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em của ngành giáo dục TPHCM.
Cụ thể, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các đơn vị trường học phải chủ động, lồng ghép tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về Luật Trẻ em; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng tại địa phương để tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh-sinh viên và bản thân trẻ em.
Học sinh ở TPHCM trong chuyên đề về phòng chống xâm hại tình dục |
Đồng thời phổ biến, nghiên cứu, xây dựng, sản xuất các tài liệu, sản phẩm truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong trường học về kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em bằng nhiều hình thức phù hợp tại đơn vị.
Sở yêu cầu các đơn vị chú ý nghiên cứu đưa các nội dung này vào chương trình giảng dạy của các cấp học, bậc học trên địa bàn thành phố.
Trước mắt, lãnh đạo ngành giáo dục yêu cầu các trường thực hiện “Mùa hè an toàn cho trẻ em”, tổ chức tốt việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và chính quyền, đoàn thể các cấp trong quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh, bổ ích và phòng chống tai nạn thương tích trong dịp hè.
Lâu nay, vấn đề về giáo dục kiến thức giới tính, nhất là về xâm hại tình dục trẻ em vẫn được xem là “vùng nhạy cảm” trong trường học. Chỉ một số trường quan tâm, mạnh dạn thì chủ động tổ chức các buổi chuyên đề mời chuyên gia đến chia sẻ kiến thức, kỹ năng cho con em, còn lại phần lớn các trường đều còn e dè, chưa quan tâm đến vấn đề này. Thành ra, học sinh rất ngu ngơ, mù mờ kiến thức về giới tính, bảo vệ bản thân.
350 học sinh học cách thể hiện bản thân qua trò chơi Ngày 31/5, gần 350 học sinh từ 5 - 12 tuổi ở 24 quận huyện tại TPHCM tham gia vào ngày hội vui chơi tại công viên Hoàng Văn Thụ. Với chủ đề "Bản lĩnh công dân nhí", hoạt động vui chơi của các em gắn liền với Quyền Trẻ em – một vấn đề đang trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng trong nước và quốc tế - giúp trẻ em hiểu hơn về quyền của mình. Ngoài ra, các hoạt động cũng giúp các em thêm cơ hội phát triển thành những công dân có năng lực, trách nhiệm và tự tin, dựa trên qua ba yếu tố gồm đạo đức, trí tuệ và thể chất.
Các em tham gia vào các trò chơi thể hiện sự mạnh mẽ bằng các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, đánh gôn, võ thuật Vovinam...; Thể hiện trách nhiệm công dân thông qua hoạt động nhận diện được các tình huống nguy hiểm trong cuộc sống hằng ngày và các hướng dẫn an toàn giao thông với sự hỗ trợ của các chuyên gia; cùng nhiều hoạt động khác được thiết kế giúp kích thích sự sáng tạo và trí tưởng tưởng của trẻ. Ngoài ra, các bạn nhỏ cùng theo dõi vở vở hài kịch nhằm truyền tải thông điệp tạo cảm hứng cho các em mạnh dạn cất lên tiếng nói của mình và khẳng định năng lực bản thân. Trong đó quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và được thể hiện ở trẻ em được nhấn mạnh vì mục tiêu cao nhất là sự phát triển con người. Hoạt động được tổ chức hàng năm vào dịp Quốc tế Thiếu nhi do Đoàn Thanh niên Q.Tân Bình và báo Khăn Quàng Đỏ và tập đoàn SCG phối hợp thực hiện. |