Động cơ diesel liên quan tới 6.000 ca tử vong mỗi năm tại Đức
Con số này có thể sẽ gây thêm áp lực lên các nhà sản xuất ô tô và chính phủ Đức vốn đang phải vật lộn để cứu vãn công nghệ động cơ diesel vốn đã tiêu tốn tới hàng tỷ USD vốn đầu tư.
Cũng theo cơ quan môi trường (UBA), các ô-xít ni-tơ khiến một triệu người Đức mắc bệnh mỗi năm, và mức độ độc hại tại 70 thành phố của nước này cao hơn so với giới hạn an toàn theo tiêu chuẩn chất lượng không khí.
Ngành công nghiệp ô tô Đức tạm thời vẫn dựa vào động cơ diesel để tăng hiệu quả của xe, đáp ứng các tiêu chuẩn về khí thải CO2 trong khi chờ đợi quá trình chuyển tiếp sang động cơ chạy điện.
Tuy nhiên, doanh số của các mẫu xe diesel hiện vẫn đang sụt giảm mạnh kể từ sau khi Volkswagen thừa nhận đã gian lận các bài kiểm tra khí thải hồi năm 2015. Các nghiên cứu được tiến hành sau đó, đã phơi bày một thực tế là nồng độ các ô-xít ni-tơ thải ra bởi các xe chạy động cơ diesel cao hơn rất nhiều so với động cơ xăng.
Một toà án tại Đức hồi tháng trước đã ra phán quyết, cho phép các thành phố của nước này có thể cấm xe động cơ diesel có mức khí thải ô nhiễm cao hoạt động trên đường phố - một quyết định có thể sẽ đẩy nhanh quá trình đào thải động cơ đốt trong.