Đề tham khảo môn Địa lý có nhiều điểm chưa chuẩn?
Đánh giá về đề tham khảo môn Địa lý, cô Nguyễn Thị Thuý Hằng, giáo viên môn Địa trường THPT Lương Thế Vinh (TPHCM) cho rằng lần này khá ổn so với 2 lần trước vì có sự phân hoá rõ rệt và cấu trúc đề sắp xếp tương đối hợp lý. Sự phân hóa này giúp các trường ĐH dễ tìm ra thí sinh nổi trội để tuyển.
Ảnh minh hoạ thí sinh sau khi thi môn Địa lý (ảnh: internet) |
Đề gồm 40 câu trong đó có 30 câu phù hợp với học sinh trung bình và 10 câu còn lại dành để đánh giá học sinh khá, giỏi. Cách sắp xếp với phần đầu nhiều câu dễ và những câu về sau nâng cao dần phù hợp để học sinh chuyên hoặc khá giỏi thể hiện khả năng hiểu biết của mình. Bên cạnh đó, cô Hằng cho rằng vài câu hỏi không bắt buộc học sinh học thuộc lòng mà phải vận dụng hiểu biết kiến thức bên ngoài hoặc kết hợp kiến thức liên môn.
Tuy nhiên, cô Hằng cũng băn khoăn ở chỗ câu 44 trong đề có vẻ chưa ổn cần phải điều chỉnh, tránh để học sinh hoang mang. “Tuyến đường giao thông xuyên suốt cả nước trước đây có tên là quốc lộ 1 nhưng sau này có hình thành thêm một số quốc lộ 1 khác như 1K, 1B… nên người ta đã đổi thành quốc lộ 1A. Quốc lộ 1A là khái niệm chính xác, hiện trong sách giáo khoa lẫn Atlat hiện nay vẫn sử dụng là quốc lộ 1A”, cô Hằng chia sẻ.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Thuật, giảng viên môn Địa lý trường ĐH Đồng Nai cho rằng đề tham khảo môn Địa lý có nhiều điểm chưa chuẩn trong đó có một số câu sai kiến thức cơ bản, chưa bám sát thực tế và thậm chí nhiều câu đáp án đưa ra không rõ ràng.
Theo thầy Thuật, những câu sai kiến thức cơ bản là câu 44 nên không có đáp án nào đúng.
“Câu 44: Quốc lộ 1 bắt đầu từ tỉnh Lạng Sơn và kết thúc ở A. Cần Thơ; B. Kiên Giang; C. Cà Mau; D. Thành phố Hồ Chí Minh.”
“Nước ta không có quốc lộ 1 mà chỉ có quốc lộ 1A; quốc lộ 1B; quốc lộ 1K. Từ 2012 nước ta không còn khái niệm quốc lộ 1 mà xuất hiện tuyến quốc lộ 1A thay cho tuyến đường 1 xưa kia. Thành thử đề thi 2017 không thể dùng kiến thức lạc hậu để hỏi học sinh”, thầy Thuật khẳng định.
Thứ hai, theo thầy Nguyễn Văn Thuật, đề thi môn Địa lý không bám sát thực tế. Đó là câu 55:
Dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam trang 15, cho biết các đô thị nào sau đây có quy mô dân số trên 1 triệu người?
A. TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng. B. Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng. C. Hải Phòng, Cần Thơ, Hà Nội. D. Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh.
“Số dân Đà Nẵng năm 2015 đã trên một triệu, Hải Phòng trên 2 triệu, còn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thì khỏi phải nói. Vậy đáp án nào đúng? Đã sử dụng số liệu để hỏi học sinh thì số liệu cần bám sát thực tế”, thầy Thuật cho biết.
Thứ ba, thầy Thuật cho rằng câu 62 đáp án đưa ra để học sinh lựa chọn cũng không rõ ràng.
Câu 62 với bảng số liệu: Số lượng bò của Trung du và miền núi Bắc Bộ, Tây Nguyên giai đoạn 2005-2014. Đề yêu cầu “căn cứ vào bảng số liệu, cho biết nhận xét nào sau đây đúng về số lượng bò giữa Trung du và miền núi Bắc Bộ và Tây Nguyên, giai đoạn 2005 - 2014?
A. Trung du và miền núi Bắc Bộ tăng nhanh hơn Tây Nguyên; B. Tây Nguyên lớn hơn Trung du và miền núi Bắc Bộ; C. Tây Nguyên tăng ít hơn Trung du và miền núi Bắc Bộ; D. Trung du và miền núi Bắc Bộ lớn hơn Tây Nguyên."
Theo thầy Thuật, đọc các phương án đưa ra cho thấy: nếu phương án A là đúng thì phương án C cũng không sai. Nhưng may đáp án không phải là một trong hai phương án này. Điều đáng nói, trong một câu hỏi thi lại có 2 phương án giống nhau.
Đọc tiếp phương án B và D, ta thấy tác giả dùng từ “lớn” cũng chưa chuẩn bởi khi so sánh về số lượng ta phải dùng cặp từ: ít / nhiều. Còn khi so sánh về thể trạng, kích thước, hình vóc ta mới dùng cặp từ: lớn/nhỏ”
Thứ tư, thầy Thuật cho rằng trong đề tham khảo đưa ra những phương án “nhiễu vô duyên”, ngược lại hoàn toàn với kiến thức chuyên môn. Cụ thể, câu 42. Khu vực nào sau đây ở nước ta có động đất mạnh nhất? A. Nam Bộ. B. Miền Trung. C. Tây Bắc. D. Đông Bắc.
Theo thầy Thuật, “trong chuyên môn làm gì có khái niệm khu vực Miền Trung mà chỉ có khu Bắc Trung bộ, khu Duyên hải Nam Trung bộ. Mặc dù phương án B là sai nhưng với đề thi trắc nghiệm quốc gia không nên dùng phương án “nhiễu vô duyên” kiểu này.
Tương tự, câu 56: “vào nửa sau mùa đông, gió mùa Đông Bắc ở ta có tính chất lạnh ẩm vì gió này di chuyển: A. qua lục địa Trung Hoa rộng lớn; B.xuống phía Nam và mạnh lên; C.về phía Tây và qua vùng núi; D.về phía biển đông qua biển”.
Thầy Thuật cho rằng “ở nước ta gió mùa đi qua Đông Bắc và Tây Bắc không đi qua biển nhưng vẫn lạnh ẩm. Nếu đưa đáp án kiểu này thì học sinh dễ hiểu nhầm là gió mùa Đông Bắc đi qua biên thì ẩm”.
Thầy Thuật cho rằng, loại phương án “nhiễu vô duyên” chỉ dành cho chương trình “Ai là triệu phú” chứ không phù hợp với đề của một kỳ thi lớn cấp quốc gia.
Ngoài ra ông Thuật cho rằng bản thân mình mấy chục năm dạy Địa lý nhưng với số lượng câu trong đề và thời gian thi 50 phút thì e cũng không làm kịp bài. Bản thân tôi đọc đề ban đầu còn lúng túng thì học sinh sẽ gặp khó khăn hơn.