Để không phải lọc máu khi thận đã "yếu"
Bệnh thận mạn tính thường xuất hiện có vẻ đột ngột. Nhưng thực ra nó đã diễn biến từng ít từng ít một trong nhiều năm do hậu quả của tổn thương ở thận.
Mỗi quả thận có khoảng một triệu bộ lọc tí hon được gọi là nephron, hay đơn vị thận. Nếu nephron bị hỏng, nó sẽ ngừng hoạt động. Trong một thời gian nhất định, các nephron bình thường có thể gách vác thêm công việc. Nhưng nếu tổn thương vẫn tiếp diễn, ngày càng có nhiều nephron ngừng hoạt động thì đến một thời điểm nào đó, các nephron còn lại không thể lọc máu đủ để giữ cho cơ thể bình thường.
Một cách để đánh giá hoạt động của thận là xác định tốc độ lọc cầu thận (GFR). GFR thường được tính bằng cách sử dụng kết quả từ xét nghiệm creatinine trong máu. Căn cứ trên GFR, các bác sĩ sẽ xác định giai đoạn của bệnh thận. Bệnh thận được chia thành năm giai đoạn, từ tổn thương thận với GFR bình thường đến suy thận.
Có một số việc bạn có thể làm để làm chậm hoặc ngăn chặn tổn thương thận. Thuốc và một số thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát bệnh và làm bệnh nhân cảm thấy tốt hơn.
Suy thận mạn tính còn được gọi là suy thận mạn hay bệnh thận mạn tính.
Những nguyên nhân gây suy thận mạn?
Suy thận mạn là do tổn thương ở thận. Hai nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn thương thận dẫn đến suy thận mạn là:
• Cao huyết áp không kiểm soát được trong nhiều năm.
• Đường huyết cao trong nhiều năm, hay gặp trong bệnh đái tháo đường týp 1 hoặc týp 2 không được kiểm soát.
Những nguyên nhân khác có thể dẫn đến suy thận mạn tính bao gồm:
• Các bệnh lý và nhiễm trùng ở thận, như bệnh thận đa nang, viêm thận bể thận và viêm cầu thận, hoặc những vấn đề bẩm sinh ở thận.
• Hẹp hoặc tắc động mạch thận, là động mạch cung cấp máu cho thận.
• Sử dụng lâu dài các thuốc có thể gây hại cho thận. Ví dụ như các thuốc chống viêm không steroid (NSAID), như celecoxib và ibuprofen.
Triệu chứng của suy thận mạn
Triệu chứng có thể xuât hiện chỉ vài tháng sau khi thận bắt đầu suy. Nhưng hầu hết mọi người không có triệu chứng sớm. Trên thực tế, nhiều người không hế thấy triệu chứng gì trong tới 30 năm hoặc lâu hơn. Đây được gọi là giai đoạn "im lặng" của bệnh.
Khi chức năng thận bị giảm sút, người bệnh có thể thấy:
• Đi tiểu ít hơn bình thường.
• Phù và tăng cân do ứ dịch ở các mô.
• Cảm thấy rất mệt mỏi hoặc buồn ngủ.
• Không cảm thấy đói, hoặc sụt cân khi không cố giảm cân.
• Thường cảm thấy buồn nôn hoặc nôn.
• Gặp vấn đề với giấc ngủ.
• Đau đầu hoặc khó suy nghĩ rõ ràng.
Phòng ngừa suy thận mạn
Suy thận mạn thường do một bệnh khác gây ra. Vì vậy, bước đầu tiên là điều trị bệnh lý gây tổn thương thận.
Bệnh đái tháo đường và huyết áp cao gây ra hầu hết các trường hợp bệnh thận mãn tính. Nếu duy trì được huyết áp và lượng đường trong máu trong giới hạn bình thường, thì có thể kìm hãm hoặc ngăn chặn tổn thương thận. Giảm cân và tập thể dục nhiều hơn có thể giúp ích. Người bệnh cũng có thể cần dùng thuốc.
Bệnh thận là một vấn đề phức tạp. Bệnh nhân thường cần phải dùng nhiều loại thuốc và làm nhiều xét nghiệm, do đó người bệnh cần hợp tác chặt chẽ với bác sĩ, đi khám đúng hẹn và sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn.
Thay đổi lối sống là một phần quan trọng trong quá trình điều trị. Thực hiện các bước dưới đây có thể giúp kìm hãm bệnh thận và giảm các triệu chứng, đồng thời giúp giảm huyết áp, đái tháo đường và các vấn đề khác làm bệnh thận nặng hơn.
• Tuân thủ chế độ ăn uống để giảm gánh nặng cho thận. Bác sĩ dinh dưỡng có thể giúp bạn xây dựng kế hoạch ăn uống với lượng muối (natri) và protein phù hợp. Cũng cần theo dõi lượng chất lỏng uống vào mỗi ngày.
• Biến tập thể dục trở thành một phần của nếp sống hàng ngày. Hỏi ý kiến bác sĩ để có chương trình tập thể dục phù hợp.
• Không hút thuốc hoặc sử dụng thuốc lá.
• Không uống rượu.