Đấu tranh phản bác âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật
Thông qua các loại hình văn hóa có sức hấp dẫn và độ tương tác cao như điện ảnh, văn chương… Các đối tượng xấu đã lồng ghép, cài cắm một cách tinh vi những hình ảnh, chi tiết, ngôn ngữ để thông tin, tuyên truyền sai lệch trong nhận thức của công chúng. |
Âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ
Thời gian qua, các kênh truyền thông và các trang mạng xã hội đã được thiết lập để tạo kênh kết nối các lực lượng cực đoan, cơ hội ở trong và ngoài nước để lợi dụng lĩnh vực văn học, nghệ thuật nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Mục đích của hoạt động này là nhằm làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về tư tưởng, tạo ra “khoảng trống” trong những vỏ bọc “văn học”, “nghệ thuật”, đánh vào thị hiếu của con người. Thông qua các loại hình văn hóa có sức hấp dẫn và độ tương tác cao như điện ảnh, văn chương… Các đối tượng xấu đã lồng ghép, cài cắm một cách tinh vi những hình ảnh, chi tiết, ngôn ngữ để thông tin, tuyên truyền sai lệch trong nhận thức của công chúng, tạo nên sự tự diễn biến, chuyển hóa trong đời sống xã hội.
Ngoài ra, các thế lực thù địch còn đẩy mạnh tuyên truyền sai lệch về quan điểm, đường lối văn học, nghệ thuật của Đảng, cho rằng: “đường lối văn nghệ của Đảng là cứng nhắc, ép buộc”; cáo buộc các tác phẩm “phải chịu sự kiểm duyệt chặt chẽ của Nhà nước”, hay vu cáo “sự độc đoán về tư tưởng đã bóp chết văn học, nghệ thuật”.
Theo thống kê hiện nay, có khoảng gần 150 hội, nhóm bất hợp pháp, trong đó có gần 100 nhóm có khuynh hướng hoạt động đối lập chính trị, có quan điểm cực đoan, quá khích, sai trái, thù địch. Thông qua các nhà xuất bản bên ngoài, nhiều đối tượng văn nghệ sĩ, trí thức có quan điểm cực đoan bị lôi kéo đã sáng tác, in ấn và phát tán các tác phẩm văn học, thơ ca có nội dung sai trái. Thậm chí, họ còn cho rằng, những tác phẩm này đã tạo nên "luồng gió mới" trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và đã "tiên phong" thoát ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện đúng tinh thần "văn nghệ mở", văn hóa văn nghệ phải được giải phóng, tự do cảm xúc, tự do sáng tạo... Điển hình trong đó có nhóm tự xưng “Ban vận động Văn đoàn Việt Nam độc lập”, phiến diện cho rằng: Văn học, nghệ thuật do Đảng lãnh đạo là thứ văn học, nghệ thuật minh họa nghị quyết, tô hồng thực tế.
Những âm mưu, thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật có tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm của một bộ phận nhận dân trong thời gian qua, trong đó có giới trẻ. Thậm chí có những người có tâm lý bi quan, chán nản, mất niềm tin vào những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Đó là một nguy hại rất lớn không thể coi thường, xem nhẹ.
Văn học, nghệ thuật không thể đứng ngoài mà cùng đồng hành với chính trị
Trong một xã hội, nói đến chính trị là nói đến vai trò chủ đạo cả trong ý thức xã hội lẫn hệ thống thiết chế để bảo đảm cho sự hiện thực hóa tư tưởng chính trị. Bằng cách tiếp cận khách quan, toàn diện, khoa học Mác-Lênin đã chỉ ra, văn học, nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội nhưng là hình thái ý thức xã hội đặc thù và luôn nhấn mạnh văn học, nghệ thuật phải thấm nhuần tư tưởng cách mạng, có tính giai cấp, tính đảng, tính định hướng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”. Vì vậy, dù có những đặc trưng, đặc thù nào đi chăng nữa thì từ sự nhận thức, phản ánh của mình, văn học, nghệ thuật vẫn phải nhằm mục đích góp phần vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, giải quyết những mâu thuẫn, những yêu cầu đặt ra của thời đại. Ý thức chính trị và ý thức văn học là những người bạn đồng hành trên con đường đi tìm hạnh phúc. Tiếng nói chính trị và tiếng nói nghệ thuật bổ sung cho nhau, làm thăng bằng đời sống tinh thần của xã hội.
Thực hiện sứ mệnh mà dân tộc, nhân dân giao phó, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo văn học, nghệ thuật nhằm phát huy cao nhất tính “chân, thiện, mỹ”, vì khát vọng cao đẹp của nhân dân và dân tộc Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa, Đảng lãnh đạo văn học, nghệ thuật không phải là sự áp đặt, mà trở thành nhu cầu khách quan, không chỉ cho việc thực hiện mục tiêu, lý tưởng của dân tộc, mà còn vì chính sự tồn tại, phát triển của văn học, nghệ thuật; bảo đảm cho “hình thái ý thức xã hội đặc thù” này phát triển đúng hướng.
Vì vậy, ngay từ năm 1943, Ðề cương văn hóa - chiến lược đầu tiên về văn hóa (trong đó có văn học, nghệ thuật) của Ðảng đã đặt văn hóa là một cuộc cách mạng được tiến hành đồng thời với cách mạng chính trị và cách mạng kinh tế. Quan điểm đúng đắn đó, được khẳng định lại trong nhiều nghị quyết của Ðảng. Quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề cao văn hóa, coi đó là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là sự bảo đảm cho phát triển bền vững: "Không có hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người”.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể như cá tính sáng tạo, cảm hứng sáng tác, các tác nghiệp, kỹ năng thực hành văn hóa... Đảng chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo đối với văn học, nghệ thuật theo hướng vừa bảo đảm để văn hóa, văn học, nghệ thuật phát triển đúng hướng vừa bảo đảm quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao của văn nghệ sĩ, trí thức. Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Để tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong công tác tư tưởng của Đảng hiện nay
Về bản chất văn học, nghệ thuật (VHNT) không sinh ra để phục vụ chính trị nhưng trong suốt tiến trình lịch sử của nhân loại, luôn được các giai cấp sử dụng làm công cụ, phương tiện trong công tác tư tưởng. VHNT ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người, nhưng từ khi có giai cấp và đấu tranh giai cấp, để thu hút, tập hợp được đông đảo quần chúng, các giai cấp đã sử dụng VHNT làm công cụ truyền bá hệ tư tưởng của mình. Trong bối cảnh của đất nước ta hiện nay, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, đội ngũ văn nghệ sĩ không chỉ là người tiếp nhận định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, mà còn là người đồng hành tự nguyện, “đồng sáng tạo” với Đảng, với dân tộc trên con đường phát triển đất nước. Bởi vậy, văn nghệ sĩ mang trên mình trọng trách lớn lao, thông qua hoạt động văn hóa - văn nghệ, họ cất lên tiếng nói của nhân dân, của thời đại mình, hướng tới những giá trị thẩm mỹ và nhân văn cao đẹp.
Trong đời sống xã hội hiện nay, VHNT chính là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người. Nhận thức sâu sắc điều đó, trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển văn hóa nói chung, VHVN nói riêng. Thưc tiễn cho thấy, từ ánh sáng soi đường của Đề cương Văn hóa 1943, lớp lớp các thế hệ văn, nghệ sĩ, trí thức bằng các tác phẩm của mình, họ đã tích cực phản ánh sinh động thực tiễn cuộc sống, tham gia vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, góp tiếng nói mạnh mẽ lên án các hành vi tiêu cực; đồng thời, phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Ông Trần Văn Thép, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên cho hay: "Các sáng tác của văn nghệ sĩ mang đến sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, từng bước thấm sâu vào trong đời sống, trong tư tưởng của người dân".
PGS. TS Nguyễn Thị Vân Trung, Chi hội trưởng Chi hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số nói chung và các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số nói riêng của tỉnh Thái Nguyên rất tích cực và say mê sáng tạo, khao khát được góp tiếng nói của mình vào đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật của tỉnh nhà".
Không chỉ giữ vai trò quan trọng trong xây dựng nền văn hóa mới, đội ngũ văn nghệ sĩ còn góp phần đắc lực trong đấu tranh vạch trần những tư tưởng, quan điểm sai trái, những thói hư, tật xấu trong xã hội, đấu tranh với các luận điệu sai trái, thù địch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bằng tài năng và sự sáng tạo của mình, văn nghệ sĩ, trí thức có thể làm nổi bật những vấn đề của thời đại, làm lóe sáng những khát vọng lớn lao, gợi mở, vạch đường, thôi thúc con người vươn tới lý tưởng cao đẹp.
Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên nhấn mạnh: "Những tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ tỉnh nhà luôn luôn có mặt ở mọi lúc, mọi nơi và trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, khi chúng ta thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị, bằng những tác phẩm của mình, đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh Thái Nguyên đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; đồng thời, góp phần xây dựng lên giá trị trường tồn của văn hóa Việt Nam".
Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện để văn nghệ sĩ sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng. Nhờ đó, hơn 35 năm đổi mới đã có nhiều tác phẩm VHNT phản ánh được những thành quả lớn lao của sự nghiệp đổi mới cùng những băn khoăn, trăn trở, lo âu trước những vấn đề của thời cuộc. Trong giai đoạn hiện nay, với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông hiện đại và mạng xã hội, VHVN càng có sức lan tỏa rộng rãi, tác động mạnh mẽ đến việc củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào hành động cách mạng của quần chúng trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.
Quan tâm, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ lao động, sáng tạo, cống hiến
Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam với khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện”. |
Để xây dựng xã hội tốt đẹp nhân văn và môi trường văn hóa lành mạnh, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung nhiều giải pháp nhằm tạo mọi điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sĩ lao động, sáng tạo, cống hiến, biến văn hóa thành sức mạnh nội sinh, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bất kỳ giai đoạn nào, cấp ủy và chính quyền tỉnh Thái Nguyên luôn xác định để tạo dựng thành công sự phát triển “xanh”, bền vững, thì nền tảng đó phải bắt đầu từ việc xây dựng nền văn hóa “xanh”, môi trường “xanh’, hướng con người với lối sống đẹp trở thành ý thức tự giác. Điều này được người đứng đầu cấp ủy tỉnh khẳng định trong Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam với khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện” diễn ra mới đây.
Không chỉ bằng lời nói, quan điểm chỉ đạo mà tư tưởng này đã được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết, chương trình hành động. Mới đây nhất, tại Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh vừa qua, Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đầu tư nhà văn hóa - khu thể thao xóm, tổ dân phố, giai đoạn 2023-2025 được tỉnh ban hành, với nguồn kinh phí hỗ trợ gần 200 tỷ đồng được thông qua. Đây là hành động thiết thực quan tâm xây dựng thiết chế, đời sống văn hóa tinh thần nâng cao đời sống của người dân ngay từ cơ sở.
Trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện để hoạt động văn học, nghệ thuật phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn đời sống tinh thần của nhân dân và khát vọng sáng tạo, cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ.
Từ sự quan tâm, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện của địa phương và các cấp, ngành, những người làm công tác văn hóa, đội ngũ văn nghệ sĩ sẽ được tiếp thêm động lực, phát huy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm người nghệ sỹ, đem tài năng của mình sáng tạo nhiều hơn những công trình, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thực đối sống những thành tựu phát triển của địa phương, của đất nước, phục vụ công cuộc đổi mới, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Văn hóa còn thì dân tộc còn - Chân lý này đã được khẳng định. Cùng với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường ý thức trách nhiệm của mỗi công dân thì cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò của những văn nghệ sĩ chân chính với những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thực đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. Họ chính là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, một trong những mặt trận liên quan đến sự tồn vong của một dân tộc./.