Đắk Nông cần có “bà đỡ” cho hợp tác xã sản xuất hồ tiêu sạch
Đắk Nông đang là “điểm nóng” về tình trạng phát triển cây hồ tiêu ồ ạt, dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường yếu. Trước tình hình đó, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Đăk Nông đang khuyến khích nhân rộng mô hình hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, nhà khoa học, sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu sạch.
Huyện Đăk Song hiện là vùng trồng hồ tiêu trọng điểm của tỉnh Đắk Nông, với tổng diện tích trên 7.000 ha. Tại đây đã hình thành một số mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất hồ tiêu sạch, với sự tham gia của hàng trăm nông dân. Bước đầu, bà con đã tuân thủ quy trình canh tác hồ tiêu bền vững, bằng cách sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, hạn chế tối đa phân hóa học. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của các hợp tác xã là nguồn vốn đầu tư và tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp ký cam kết đồng hành nhà nông sản xuất hồ tiêu sạch. |
Tại Hội nghị triển khai chương trình liên kết phát triển chuỗi giá trị hồ tiêu do UBND tỉnh Đăk Nông tổ chức ngày 28/3, ông Ninh Văn Được, Chủ tịch Hội nông dân xã Thuận Hà cho biết, với gần 1.200 ha, xã có diện tích hồ tiêu lớn nhất huyện Đăk Song. Từ giữa năm 2016, xã đã hình thành Hợp tác xã sản xuất hồ tiêu sạch, nhưng vẫn còn nhiều trở ngại.
“Dù bà con vẫn đang làm hồ tiêu sạch nhưng về tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn. Bà con muốn tiếp cận nguồn vốn để thực hiện chương trình nhưng hiện tại vẫn chưa đủ khả năng. Bà con mong rằng nhà nước, doanh nghiệp nên cùng với nhà nông bắt tay vào để thực hiện. Khi đó doanh nghiệp có sự đầu tư máy móc, hướng dẫn kĩ thuật và thu mua sản phẩm ổn định đầu ra”, ông Được cho biết.
Theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện Đắk Song, đến năm 2020 huyện có 12.000 ha hồ tiêu, trong đó 1/4 diện tích sản xuất theo hướng bền vững, 50 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, 800 ha hồ tiêu sử dụng công nghệ sinh học.
Ông Lê Viết Xuân – Phó chủ tịch UBND huyện Đăk Song cho biết, mới đây, nhãn hiệu “Hồ tiêu Đăk Song” đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận và cấp logo để gián trên bao bì sản phẩm khi bán ra thị trường. Đó là một lợi thế rất lớn cho ngành hồ tiêu địa phương.
“Trước mắt là phải làm sao cho người dân ý thức được sản xuất tiêu sạch là sự sống còn trong canh tác hồ tiêu. Và họ phải ý thức được sản xuất ra hàng hóa là phải có sự liên kết, theo định hướng thị trường. Các doanh nghiệp thì phải đồng hành nông dân trong quá trình đầu tư của họ”, ông Xuân nói.
Các đại biểu dự Hội nghị cũng nhận định, hồ tiêu là cây trồng chủ lực của Đăk Nông, nhưng hiện đang phát triển ồ ạt, thiếu tính bền vững. Hiện toàn tỉnh có trên 27.500 ha hồ tiêu, vượt 4 lần so với quy hoạch.
Hầu hết diện tích hồ tiêu do người dân tự nhân giống, bón quá nhiều phân hóa học, tưới nước không đúng cách, cộng với sự biến đổi khí hậu, hiện có khoảng 500 hồ tiêu nhiễm bệnh và chết. Niên vụ này, sản lượng hồ tiêu ở Đăk Nông khoảng 36.000 tấn, nhưng giá bán liên tục sụt giảm, chỉ bằng một nửa so với năm ngoái, khiến nông dân lo lắng.
Hội nghị đã thu hút hơn 200 nông dân, 20 doanh nghiệp tham gia, cùng với các sở, ngành liên quan tập trung trao đổi về nội dung, hình thức liên kết trong chuỗi giá trị hồ tiêu ở địa phương trong thời gian tới. Tại đây, đã có 3 doanh nghiệp ký kết hợp tác với nhiều hợp xã sản xuất hồ tiêu trên địa bàn, với các nội dung như hỗ trợ vật tư đầu vào, chuyển giao khoa học kỹ thuật canh tác hồ tiêu sạch, thu mua toàn bộ sản phẩm hồ tiêu do nông dân sản xuất.
Chủ trì hội nghị này, ông Trương Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông nhấn mạnh, việc phát triển hồ tiêu bền vững trước hết là phải tạo ra sản phẩm tiêu sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGap.
“Chính quyền tỉnh không để cho nông dân tự bơi mà sẽ tập trung kêu gọi các nhà doanh nghiệp, các nhà khoa học đồng hành cùng nông dân. Trên tinh thần đó, tỉnh chỉ đạo cương quyết không để mở rộng diện tích hồ tiêu, chỉ tập trung vào chất lượng. UBND tỉnh đang tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thông qua tổ hợp tác và hợp tác xã”, ông Tùng khẳng định./.