Đặc khu kinh tế: Lo thời gian thuê quá dài, ưu đãi thuế bị lợi dụng
Chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và phát triển ba đơn vị HCKTĐB Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong tiếp cận đất đai, dự án Luật cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm đối với các dự án trong một số lĩnh vực và các ngành, nghề ưu tiên phát triển của từng đơn vị HCKTĐB. Đồng thời, cho phép tổ chức kinh tế được thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt |
Thời hạn 99 năm liệu có quá dài?
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc giao đất với thời hạn tới 99 năm là quá dài so với chu kỳ thu hồi vốn của hoạt động sản xuất, kinh doanh và có thể bất lợi cho Nhà nước do nền kinh tế thế giới đang có sự biến động mạnh mẽ, có thể dẫn đến những thay đổi khó dự báo về vai trò, vị trí của một số ngành, nghề được ưu tiên trong nền kinh tế.
Ông Định cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, việc quy định các chính sách ưu đãi có tính vượt trội, đủ sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng đất đai, tài sản gắn liền với đất không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan tới an ninh, chủ quyền quốc gia, đối với một số địa bàn còn có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân do tác động của việc thu hồi đất.
Các khu vực dự kiến thành lập đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt đều là những nơi có tiềm năng, lợi thế về du lịch, dịch vụ, hiện đang có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, đồng thời, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, ông Định lưu ý.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định |
Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cần xem xét đánh giá tác động của chính sách này đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như với cuộc sống của người dân. Quy định thời hạn sử dụng đất phù hợp hơn đối với từng ngành, nghề ưu tiên phát triển và phù hợp với thực tế sử dụng, gắn với thực trạng quỹ đất hiện có tại mỗi địa phương để vừa thu hút đầu tư, vừa bảo đảm an ninh, chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc và không gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai.
Lo ưu đãi thuế bị lợi dụng
Còn về chính sách ưu đãi về thuế, theo ông Nguyễn Khắc Định, dự thảo Luật quy định cụ thể các ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Uỷ ban Pháp luật nhận thấy, những ưu đãi về thuế sẽ tác động tới nguồn thu của ngân sách, ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế đất nước. Do đó, ông Định góp ý, cần có sự tính toán về những chi phí và lợi ích của những chính sách này, cân nhắc về tác động đối với các doanh nghiệp nội địa ngoài đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và nguy cơ các ưu đãi về thuế bị lợi dụng.
Mặt khác, kinh nghiệm các nước cho thấy, việc hoàn thiện khung pháp lý và sự thuận lợi về thể chế hành chính trong nhiều trường hợp có thể còn quan trọng hơn các ưu đãi về đất đai hay thuế, ông Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm.
Liên quan đến ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách đơn vị HCKTĐB, ông Định cho biết, có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhấttán thành cần phải kết hợp giữa hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương và để lại nguồn tăng thu nội địa hằng năm cho đơn vị HCKTĐB. Tuy nhiên, đối với quy định này, đề nghị làm rõ nguồn hỗ trợ trực tiếp là bao nhiêu và trong thời gian bao lâu, gắn với nhu cầu đầu tư phát triển và khả năng tự cân đối của từng đơn vị HCKTĐB.
Loại ý kiến thứ haicho rằng việc ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho đơn vị HCKTĐB là cần thiết trong giai đoạn đầu mới thành lập nhưng không nên quy định trong Luật này mà căn cứ vào nhu cầu của các đơn vị và khả năng cân đối chung của ngân sách nhà nước, Quốc hội sẽ quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Đa số ý kiến UBPL tán thành loại ý kiến thứ nhất và cho rằng, việc quy định rõ ràng, cụ thể vấn đề này ngay trong Luật Đơn vị HCKTĐB sẽ là cơ sở quan trọng bảo đảm tính khả thi của việc xây dựng thành công các đơn vị HCKTĐB, đồng thời tạo niềm tin cho các nhà đầu tư để thu hút đầu tư vào các đơn vị HCKTĐB. Việc xác định cụ thể mức hỗ trợ ngay trong Luật này cũng sẽ tạo sự chủ động hơn về nguồn vốn cho các đơn vị HCKTĐB cũng như chủ động trong cân đối ngân sách nhà nước./.