Công tác thi đua, khen thưởng góp phần củng cố niềm tin của nhân dân
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
“Chúng ta thi đua để xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để không tụt hậu với các nước trong khu vực và thế giới; thi đua để xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; thi đua để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước; thi đua để hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam... Nhờ vậy, diện mạo của đất nước thay đổi to lớn, tạo sự phấn khởi, góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.”
Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và triển khai nhiệm vụ thi đua, khen thưởng năm 2020, tổ chức sáng 6/1 tại Hà Nội.
Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, cho biết qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị, cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp ngày càng quan tâm thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng.
Công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng được các ngành, các cấp nghiên cứu, xây dựng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; triển khai hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm; nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.
Phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả, có nhiều đổi mới, sáng tạo, từng bước khắc phục tính hình thức. Các phong trào được triển khai bài bản, hình thức đa dạng, phong phú, có tiêu chí và nội dung rõ ràng, cụ thể, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Công tác khen thưởng đã góp phần động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành tích tiêu biểu, xuất sắc; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, khen thưởng thông qua phát hiện các tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua có sự chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 34-CT/TW ngày 7/4/2014, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương phát động nhiều phong trào thi đua như “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới,” “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển,” “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau,” “Cán bộ, công chức, viên chức, thi đua thực hiện văn hóa công sở”... được các cấp, ngành và các tầng lớp nhân nhân đồng lòng hưởng ứng.
“Phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong thời gian tiếp theo tập trung đổi mới nhằm động viên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, ý chí tự lực, tự cường của dân tộc. Các phong trào thi đua yêu nước phát triển theo phương hướng sâu rộng ở các Bộ, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, trở thành động lực góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng đất nước,” Thứ trưởng Trần Thị Hà nhận định.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương báo cáo tại Hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà nêu lên một số hạn chế, tồn tại như một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức trong phát động phong trào thi đua; công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra; cá biệt những tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thực sự tiêu biểu; việc phát hiện các điển hình chưa tạo được sự chuyển biến sâu rộng từ cơ sở; các cấp cơ sở chưa phát huy vai trò tham mưu; đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng còn hạn chế...
Thi đua để xây dựng đất nước
Thay mặt lãnh đạo Nhà nước và Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận định, thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong những năm qua có sự đóng góp quan trọng của phong trào thi đua và công tác khen thưởng.
Điểm lại tình hình chung của đất nước trong năm 2019, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định những thành tựu đáng tự hào đó có sự đóng góp, nỗ lực không nhỏ của công tác thi đua, khen thưởng.
Năm 2020 có nhiều sự kiện trọng đại như kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Đại hội thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X..., Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành thi đua, khen thưởng phát huy kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để phong trào thi đua và công tác khen thưởng đạt hiệu quả thiết thực, thực sự trở thành động lực cách mạng to lớn, thúc đẩy việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức chức thành công Đại hội thi đua yêu nước các cấp và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; phát hiện biểu dương, tôn vinh các gương người tốt việc tốt và nhân rộng, lan tỏa các điển hình tiên tiến.
Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Cả nước quyết tâm thi đua sôi nổi, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch nước đề nghị toàn ngành tập trung đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua, gắn với việc "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;" tiếp tục triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động...
Về tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng, Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ Nội vụ củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng ổn định, tinh gọn, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; xây dựng đội ngũ công chức làm công tác thi đua, khen thưởng chất lượng, có phẩm chất chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, có năng lực tham mưu, nghiên cứu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng, góp phần nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng./.