Công nghiệp ô tô ứng phó trước làn sóng xe nhập khẩu
Các cơ quan chức năng đang tính tới những phương án nhằm tiếp tục bảo hộ sản xuất ô tô trong nước, đề ra các biện pháp tự vệ trong bối cảnh ô tô nhập khẩu từ thị trường ASEAN tăng mạnh. Tuy nhiên, để áp dụng được thì không đơn giản và đây cũng chưa phải là giải pháp căn cơ lâu dài cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, lượng ô tô nhập về thị trường Việt Nam trong 3 tháng đầu năm tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, với 28.000 chiếc, đạt trị giá 460 triệu USD. Đáng chú ý, nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN tăng tới hơn 76%, chủ yếu từ Indonesia, Thái Lan.
Mức thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN sẽ giảm về 0% từ năm 2018 gây áp lực lớn cho sản xuất ô tô trong nước. (Ảnh minh họa: KT) |
Sở dĩ có sự biến động lớn về số lượng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN là do hiệp định thương mại ASEAN có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, thuế nhập khẩu ô tô con từ các quốc gia trong khu vực vào Việt Nam về mức 30%, thay vì 40% như trước. Mức thuế này sẽ còn giảm về 0% từ năm 2018, gây áp lực lớn cho sản xuất ô tô trong nước. Không ít doanh nghiệp sản xuất ôtô nước ngoài đã tính chuyện cắt giảm sản xuất, thu hẹp quy mô sau nhiều năm hoạt động.
Còn theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Cổ phần ô tô Trường Hải, có doanh nghiệp chọn nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia về bán vì sản xuất ở đó vẫn rẻ hơn Việt Nam khoảng 20%. Do vậy, trong bối cảnh xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN sẽ giảm thuế về 0% thì sản xuất trong nước càng khó khăn.
“Quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn nhỏ nên cần có giải pháp đảm bảo dung lượng sản xuất trong nước. Trước mắt, chênh lệch thuế nguyên chiếc thấp hơn thuế linh kiện sẽ cần hàng rào kỹ thuật và chống gian lận thương mại và khai báo thuế, gian lận về xuất xứ, tỉ lệ nội địa hóa. Khi khoảng cách thuế giữa xe nguyên chiếc và linh kiện bị thu hẹp lại, nếu không kiểm soát khắt khe thì tất cả doanh nghiệp sản xuất lắp ráp đều lo ngại”, ông Dương lo ngại.
Trong bối cảnh này, một trong những giải pháp được tính đến là áp dụng biện pháp tự vệ, nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước nói chung, các doanh nghiệp ôtô và ngành công nghiệp phụ trợ cung ứng cho ngành ô tô nói riêng. Tuy nhiên, để áp dụng biện pháp này không đơn giản.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, chỉ có thể áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng nhập khẩu khi có đủ chứng minh cho thấy có sự bán phá giá hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Ngoài ra, muốn sử dụng biện pháp tự vệ, trước tiên phải có đơn của doanh nghiệp chiếm ít nhất 25% tổng sản lượng của toàn ngành sản xuất trong nước.
Còn theo bà Phạm Châu Giang, Trưởng Phòng Điều tra Phòng vệ thương mại – Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), để tiến hành khởi xướng điều tra cần có thông tin và đáp ứng các điều kiện cụ thể.
“Khi có đơn của nhà sản xuất ô tô trong nước, chứng minh được lượng xe nhập khẩu gia tăng đột biến trong nhiều năm liên tiếp, gây thiệt hại đến ngành sản xuất ô tô mới áp dụng biện pháp tự vệ. Hiện mới có thông tin từ hải quan về lượng xe ô tô nhập khẩu, nhưng số liệu tổng thể này chưa nói được gì nhiều, vì xe có từng loại khác nhau. Nếu áp dụng phòng vệ thương mại sẽ không xác định áp dụng cho dòng xe nào nên không thể áp dụng tùy tiện, rất có thể bị kiện”, bà Giang nêu ý kiến.
Các chuyên gia cho rằng, dù có áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không phải là giải pháp dài hạn. Để phát triển được công nghiệp ô tô, cạnh tranh được với xe nhập khẩu thì một trong những nút thắt phải gỡ là về giá.
Theo một số doanh nghiệp, hiện chi phí sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam cao hơn 20% so với một số nước trong khu vực. Bởi vậy, cần hỗ trợ doanh nghiệp giảm chênh lệch giá xe trong và ngoài nước bằng cách điều chính thuế tiêu thụ đặc biệt một cách phù hợp, rút ngắn khoảng cách, nâng cao tính cạnh tranh.
Ngoài ra, phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, bởi hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô mới chỉ 7-10%, quá thấp so với mục tiêu đề ra.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và biến động, trước mắt là giảm thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về 0% từ năm 2018. Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, vẫn kiên trì mục tiêu phát triển sản xuất, lắp ráp trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ.
“Cần phải tạo dựng được thị trường, ít nhất đảm bảo dung lượng đủ để phát triển và cạnh tranh với các nước trong khu vực nhưng vẫn phải đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước. Nên có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của nhà nhập khẩu xe với người tiêu dùng, tương tự như các nhà sản xuất trong nước. Bên cạnh đó vẫn cần hỗ trợ các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô để giảm giá thành và nâng cao cạnh tranh”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đặt mục tiêu sản xuất 50.000 xe mỗi năm từ năm 2035. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song nhiều doanh nghiệp vẫn mong muốn duy trì sản xuất, lắp ráp ô tô. Vấn đề còn lại là những chính sách hỗ trợ kịp thời đối với doanh nghiệp.
Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, đặc biệt là thuế nội địa và thuế linh kiện phụ tùng nhập khẩu trong và ngoài thị trường ASEAN.
Bên cạnh đó là các giải pháp phát triển công nghiệp phụ trợ, tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công nghệ cao...Đây là những giải pháp lâu dài không chỉ giúp doanh nghiệp cạnh tranh với xe nhập khẩu mà còn giúp ngành công nghiệp ô tô đạt được mục tiêu chiến lược đề ra./.