Cơn “địa chấn” mang tên gian lận điểm thi năm 2018
Bài 1: Hành trình tìm ra cơn “địa chấn” gian lận điểm thi
Vụ nâng, sửa điểm bị phát hiện ở Hà Giang và Sơn La, Hòa Bình, như cơn “địa chấn” của ngành giáo dục năm 2018. Cùng nhìn lại hành trình tìm ra cơn “địa chấn”, một trong những giáo viên đưa sự việc ra ánh sáng đầu tiên cho hay, nhìn những bất công mà hàng triệu thí sinh đang gánh chịu, họ không thể im lặng.
Từ những tin nhắn trên mạng xã hội...
Trong số những địa phương có gian lận điểm thi được tìm ra, Hà Giang là địa phương đầu tiên.
Chúng tôi nhớ lại, ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, chiều tối 11/7/2018, trên mạng xã hội, một số phóng viên tiếp cận được thông tin băn khoăn về phổ điểm thi bất thường tại địa phương này.
Những thông tin đó được trích dẫn từ phân tích của một thầy giáo khác: Thầy Đỗ Ngọc Hà - đồng nghiệp của thầy Ngọc tại Hà Nội.
Vũ Khắc Ngọc là thầy giáo trẻ, ôn luyện môn Hóa học trên mạng xã hội và có số lượng học sinh tương tác trên Facebook cá nhân, fanpage... với hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Những thông tin của thầy Ngọc đưa ra có độ tin cậy cao với nhiều phóng viên giáo dục.
Họp báo công bố sai phạm khủng khiếp trong thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang. |
Thầy Vũ Khắc Ngọc kể lại: "Khi thấy báo chí đăng tải danh sách 11 em được điểm cao nhất cả nước, tôi vui mừng chia sẻ thông tin này lên trang Facebook cá nhân. Tuy nhiên, lập tức chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi tiêu cực từ phía các em học sinh, là bạn học của các thí sinh nằm trong danh sách thủ khoa (bao gồm cả học sinh tại Hà Giang, Sơn La).
Với giáo viên dạy online thường có mấy chục nghìn học sinh, như tôi có đến 40.000 em. Khi tôi viết trên Facebook hỏi về những học sinh đạt điểm cao nhất của kỳ thi năm nay, nhiều học sinh bày tỏ thái độ mỉa mai đối với các bạn ở một số tỉnh miền núi nên thấy lạ."
Đặc biệt, khi xem Facebook của học sinh điểm cao ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, chúng tôi thấy bất thường bởi những bạn đạt điểm cao nhất ở đây đều im lặng hết. Thậm chí phóng viên liên lạc với các thủ khoa của Sơn La, thí sinh này tuyệt nhiên không nghe máy hoặc máy không liên lạc được. Khi hỏi giáo viên liên quan đến thí sinh này, thông tin nhận xét về em cũng không đồng nhất khiến nhiều người đặt nghi vấn.
Chia sẻ với PV Dân trí, mẹ một thí sinh từng học trường chuyên của Hà Giang cho hay, khi cầm kết quả trong tay, con chị đã khóc nức nở. Cháu đóng cửa phòng, không thiết ăn uống vì suy sụp. Cháu không biết tìm công lý ở đâu nên mạnh dạn nhắn tin cho thầy Ngọc để chia sẻ nỗi niềm. “Không ngờ, dòng tin nhắn offline trên mạng Facebook lúc nửa đêm ấy, đã được các thầy cô để ý. Họ bắt đầu phân tích bất thường về phổ điểm”, chị kể.
Hàng loạt tỉnh “dính án” gian lận điểm
Sau Hà Giang, dư luận tiếp tục đặt nghi vấn gian lận điểm thi ở Sơn La và Hòa Bình.
Ở Sơn La, theo ghi nhận của PV thời điểm đó, có 2 thí sinh có điểm thi cao nhất nước nhưng khi lục lại điểm thi thử trên trang thông tin của nhà trường, các thí sinh này có điểm thi thử nhiều môn dưới mức trung bình hoặc rất thấp.
Xét về phổ điểm chung của toàn tỉnh, điểm trung bình môn Toán, Địa lý, Giáo dục công dân của Sơn La xếp cuối cùng trong 63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, tỉ lệ thí sinh Sơn La đạt điểm từ 9 trở lên với môn Toán và Vật lý vượt xa một số địa phương có truyền thống học tốt các môn tự nhiên. “Điều này khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ”, một giáo viên cho hay.
Cơ quan công an ra quyết định khởi tố với 5 cán bộ sở GD&ĐT Sơn La. |
Sau năm ngày làm việc liên tục, chiều 23/7/2018, tổ công tác đã công bố hàng loạt sai phạm tại Sơn La. Hàng trăm bài thi cũng bị can thiệp trực tiếp.
Nếu ở Hà Giang, ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng chỉ cần 6 giây để sửa một bài vì ông sửa ở file danh sách đầu ra, thì ở Sơn La dưới sự chỉ đạo của ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD&ĐT lại sửa ngay ở bài thi gốc, đây là một lỗ hổng chết người không thể sửa chữa bởi việc sửa chữa này khó tìm lại điểm nguyên bản ban đầu.
Ngày 3/8, việc gian lận điểm thi tiếp tục được “điểm tên” ở Hòa Bình. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam (4 tháng), lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với 2 cán bộ về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Hai cán bộ này đã can thiệp để tăng điểm cho một số bài thi của Hòa Bình lên cao ngất ngưởng.
Đánh giá về gian lận điểm thi ở Hòa Bình, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho rằng, gian lận ở đây còn tinh vi và xảo quyệt hơn cả Hà Giang và Sơn La.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Cơ quan công an đã đưa vấn đề gian lận tại các tỉnh này ra ánh sáng.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD&ĐT) thanh tra công tác chấm thi môn Ngữ Văn tại Hòa Bình. |
Chia sẻ với PV Dân trí về việc góp phần đưa gian lận điểm thi ra ánh sáng, thầy Vũ Khắc Ngọc cho hay: “Khi chia sẻ thông tin về những bất thường trong kết quả thi THPTQG, suy nghĩ của chúng tôi đơn giản lắm. Thấy sai, thấy bất công, thấy bất bình thì phải lên tiếng, chỉ đơn giản thế thôi.
Cảm xúc ấy càng được đẩy lên cao khi chỉ mới trước đó mấy ngày, tôi nhận được hàng trăm tin nhắn bày tỏ sự chán nản, bế tắc, tuyệt vọng của nhiều học sinh vốn rất giỏi nhưng lại không đạt kết quả như ý trong kỳ thi năm nay vì đề quá khó. Thậm chí đã có cả những bạn nghĩ quẩn, nếu mình không can thiệp quyết liệt, rất có thể các em có hành động dại dột”.
Giáo viên này cũng chia sẻ thêm, anh đã nhận được tâm sự, chia sẻ của rất nhiều bạn trẻ phải hy sinh 3-4 năm thanh xuân vì giấc mơ Công an, Quân đội, ... Các bạn có lẽ cũng không biết và không ngờ rằng, ước mơ của mình bị đánh cắp một cách tàn nhẫn bởi những gian lận xảy ra ở đâu đó.
“Nghĩ đến những học sinh ấy, với những bất công mà các bạn và hàng triệu học sinh khác trên cả nước phải gánh chịu, chúng tôi thấy uất ức lắm và không thể không lên tiếng”. Có lẽ, đó là một trong những lý do khiến thầy Ngọc và cả Bộ GD&ĐT quyết tâm đưa gian lận điểm thi ra ánh sáng.