Cô tiên của mái ấm Thuận Hòa
Sinh ra tại bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, Vi Thị Thuận lớn lên cùng những tấm thổ cẩm được bà, được mẹ dày công thêu dệt. Và cũng giống như biết bao người phụ nữ Thái, ngoài thời gian lên rẫy, làm nương, chị lại cặm cụi với từng đường kim, mũi chỉ để cho ra đời những tấm thổ cẩm bán cho khách du lịch kiếm thêm thu nhập. Nhờ chăm chỉ, chịu khó lại khéo tay, sản phẩm chị làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, kinh tế gia đình cũng vì thế mà bớt khó khăn nhờ nghề truyền thống của cha ông.
Tìm đến một số điểm du lịch, chị Thuận nhận thấy thổ cẩm được rất nhiều vị khách, đặc biệt là khách nước ngoài ưa chuộng. Điều này khiến chị vô cùng tự hào. Yêu mến những họa tiết, những màu sắc rực rỡ hút mắt trên tấm vải bao nhiêu, cô gái Thái này lại càng trăn trở, xót xa bấy nhiêu trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm truyền thống bị mai một.
“Nhận thấy việc thất truyền nghề là tình trạng chung ở nhiều nơi chứ chẳng riêng gì quê mình, tôi sốt ruột lắm. Trong khi thổ cẩm vẫn được nhiều khách hàng dành tình cảm thì ở nhiều nơi lại không tìm được đầu ra cho sản phẩm khiến người thợ chán nản vì thời gian, công sức bị uổng phí”, người phụ nữ sinh năm 1972 thổ lộ.
Chị Vi Thị Thuận (áo xanh) cùng các chị em Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa bên những tấm thổ cẩm truyền thống - Ảnh: NVCC |
Chính thực tế này đã nhen nhóm ý định phải làm gì đó để bảo tồn nghề truyền thống, tiêu thụ được sản phẩm cho bà con. “Nếu chỉ mình tôi làm việc này thì quả là khó khăn. Việc đồng hành, cùng nhau thêu, dệt, lưu giữ để những tấm vải thổ cẩm để đến được với du khách gần xa rất cần sự chung tay của nhiều người”, chị Thuận chia sẻ.
Trong lúc đó, chứng kiến nhiều trường hợp người khuyết tật vốn đã thiệt thòi hơn những người bình thường khác, hầu như lại sống trong cảnh nghèo khó, vất vả lo cho cuộc sống hàng ngày, tận mắt thấy những em nhỏ vốn đã chẳng lành lặn, mọi cử động đều khó khăn nhưng vẫn cặm cụi dệt thổ cẩm để đổi lại những mớ rau, cân gạo sống qua ngày, chị Thuận chợt nghĩ, tại sao không dựa vào chính những người khuyết tật để lưu giữ nghề? Nếu làm được sẽ vừa giúp người khuyết tật có việc làm, có thu nhập để tự nuôi sống bản thân, ổn định cuộc sống, vừa giữ nghề khỏi bị thất truyền.
Từ suy nghĩ này, người phụ nữ bé nhỏ đã chạy vạy ngược xuôi để ngôi nhà chung cho những người khuyết tật, kém may mắn mang tên Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa được thành lập vào năm 2008 ngay trên mảnh đất quê hương. Đối tượng mà chị dành sự quan tâm hơn hết đó là phụ nữ và các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền tại các xã vùng cao của huyện.
“Cơ sở đi vào hoạt động tôi vui lắm. Ngày ấy, khó khăn không phải là ít nhưng tôi tự nhủ sẽ nỗ lực để đây thực sự là mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh bằng cách chăm sóc, truyền nghề và tạo việc làm cho họ”, chị Thuận nhớ lại.
Chính tấm lòng vàng là liều thuốc tinh thần giúp chị vượt qua biết bao gian khó. Nhưng vất vả lo cho cơ sở duy trì hoạt động có lẽ không cực bằng việc dạy nghề cho những người khuyết tật. “Người thì câm, điếc, khuyết tật vận động từ thuở lọt lòng, người do tai nạn bị liệt, mất chân, mất tay, có những người vào đây chưa từng biết đến đường kim, mũi chỉ, tôi thì ngoài tình thương và hiểu biết về nghề thì mọi điều đều hoàn toàn mới mẻ, lại không có kỹ năng giao tiếp, truyền đạt nên không biết bắt đầu từ đâu…”.
Nhưng tình yêu thương, sự đồng cảm đã xóa nhòa mọi ranh giới, khoảng cách. Buổi đầu lóng ngóng là thế nhưng ai nấy rồi cũng trở nên thuần thục, minh chứng rõ ràng nhất là những sản phẩm thổ cẩm ra đời không ai nghĩ được làm ra bởi bàn tay của những người khuyết tật. Mang những tấm vải chất chứa biết bao nghị lực đi chào hàng ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác được đón nhận, chị cảm thấy không gì sung sướng bằng.
Chị em khuyết tật làm việc tại cơ sở ngoài việc có thu nhập ổn định còn được động viên kịp thời - Ảnh: NVCC |
Số tiền thu về chị lại tích cóp làm nhà cho các chị, các em, các cháu khuyết tật ăn ở, thêu thùa và trưng bày sản phẩm, tiền lãi dành để trả công cho mọi người. Cứ như thế suốt gần 10 năm qua, hàng trăm hội viên phụ nữ, các cháu có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật đến với Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa đã được học nghề, có việc làm ổn định. Hiện cơ sở đang cưu mang 35 chị em trong đó, 100% là người dân tộc thiểu số và 11 người khuyết tật với thu nhập ổn định từ 2,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng, số tiền không hề nhỏ với địa bàn miền núi, còn nhiều khó khăn như Mai Châu.
“Mỗi một trường hợp đến đây đều có hoàn cảnh, khó khăn riêng. Nhưng trường hợp của cặp đôi Thắng – Hiền khiến tôi xúc động nhất. Hà Công Thắng bị khuyết tật vận động dẫn đến liệt còn Bùi Thị Hiền bị tai nạn mất 1 chân. Cả hai đều chọn Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa để gắn bó. Cũng chính từ nơi này, hai bạn trẻ đã có được việc làm, có thu nhập không phải trông cậy vào ai, rồi tình yêu nảy nở khiến hai em nên vợ, nên chồng. Thu nhập hiện tại cũng đủ trang trải cho gia đình nhỏ với trái ngọt là một em bé kháu khỉnh”.
Năm 2016, sau biết bao nỗ lực, công sức của chị Thuận cùng các thành viên đã được đổi bằng thành quả một cơ sở khang trang hơn với khu xưởng kiên cố, có phòng ở đủ cho 20 người, shop trưng bày sản phẩm, hai nhà sàn phục vụ dịch vụ du lịch homestay, khoảng sân rộng để cắm trại và không gian trưng bày các vật dụng của đồng bào dân tộc Thái...
“Hiện tại, tôi đang ấp ủ ý tưởng phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống nhưng khó khăn về nguyên vật liệu để làm thổ cẩm, nguồn tơ tằm, sợi bông hạn chế là bài toán khó đang đặt ra mà tôi sớm phải có lời giải. Có khoảng đất để trồng dâu, nuôi tằm và nguồn thu ổn định từ homestay đặc biệt là ngày càng có thêm nhiều người biết, cùng chia sẻ, giới thiệu thương hiệu Hoa Ban Cộng để duy trì thu nhập ổn định cho các thành viên là nguyện vọng của tôi ở thời điểm hiện tại”.
Chị Vi Thị Thuận được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dệt thổ cẩm” trong những năm từ năm 2010 đến năm 2013 và được tuyên dương điển hình phụ nữ các dân tộc làm kinh tế giỏi. Mới đây, chị cũng là cá nhân được vinh danh tại lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017./.