Có buông lỏng trong quản lý khoáng sản ở Bà Rịa – Vũng Tàu?
Quản lý công tác nạo vét lòng hồ thủy lợi và san gạt đồi cát thuộc các dự án nhà ở cao cấp ven biển ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang có nhiều bất cập. Nhiều doanh nghiệp đã tiến hành khai thác, vận chuyển cát trước khi được cấp phép khai thác, xây dựng dự án.
Một phần đồi cát tại dự án Vũng Tàu Gerency bị san gạt. |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định, việc nạo vét các hồ thủy lợi là nhằm duy tu, giúp cho các hồ tích nước theo đúng thiết kế chứ không phải để khai thác cát. Việc nạo vét phải dựa trên cơ sở đánh giá khoa học, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và không để thẩm thấu nước. Tuy nhiên, trên thực tế, mới chỉ được tỉnh chấp thuận chủ trương, phê duyệt dự án, cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình của dự án nhưng các chủ đầu tư đã tự ý chở cát ra bên ngoài.
Tại hồ chứa nước Bút Thiền, nằm giáp ranh 2 huyện Long Điền và Đất Đỏ, qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện, mặc dù chưa đến thời gian thi công theo giấy phép, chủ đầu tư đã tiến hành thi công nạo vét, cải tạo và tận thu vật liệu lòng hồ. Tháng 3/2018, Sở NN&PTNT Bà Rịa- Vũng Tàu có văn bản đề nghị công ty dừng thi công và chỉ được tổ chức thi công khi cấp có thẩm quyền cho phép nhưng theo phản ánh của người dân địa phương thì đơn vị thi công vẫn đưa cơ giới vào hoạt động và chở cát ra ngoài.
Sau khi nhận được những kiến nghị, tháng 5/2018 đoàn giám sát HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường tại các dự án nạo, vét, cải tạo, tận thu khối lượng vật liệu lòng hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Đình Khoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh BR-VT nói: “Theo HĐND nhận xét thì tất cả chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về nạo vét lòng hồ là điều hợp lý, tuy nhiên trong quá trình thực hiện chúng ta làm chưa chặt chẽ về pháp luật và tất cả hồ sơ pháp lý. Tất cả quy trình khai thác của các đơn vị này thì không đúng như báo cáo thiết kế kinh tế kỹ thuật mà các đơn vị trình ra”.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do đây là những dự án thí điểm nên không tránh khỏi những thiếu sót. Và vì chưa nắm rõ các quy định về lĩnh vực quản lý khoáng sản của ngành tài nguyên môi trường nên Sở đã không kịp thời phối hợp để ngăn chặn chủ đầu tư trong việc vận chuyển vật liệu san lấp của lòng hồ ra khỏi phạm vi công trình.
Về phía địa phương, theo ông Lê Văn Hòa, Phó chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ, tỉnh BR-VT cho phép thực hiện dự án rồi bị ngưng lại mà không ai giám sát thì họ làm tiếp tục làm. Khi huyện có văn bản chỉ đạo giám sát việc nạo vét thì sẽ tiến hành xử lý nếu phát hiện chở cát ra ngoài: “Việc nạo vét tại Hồ Bút Thiền thì khi nào nhà đầu tư bổ sung đầy đủ các thủ tục thì tiếp tục thực hiện. Thẩm quyền ở cấp trên cho phép rồi nhưng hiện nay Huyện chưa nhận được văn bản chính thức của tỉnh, HĐND đi giám sát thì phải kiến nghị sớm để tỉnh chỉ đạo huyện theo dõi việc tạm ngưng thì huyện theo dõi, nếu chở cát từ công trình này ra thì công an huyện xử lý”.
Tương tự, dự án nạo vét theo hình thức xã hội hóa ở sông Kinh và sông Hỏa thuộc huyện Xuyên Mộc tuy chỉ được chấp thuận chủ trương, phê duyệt dự án, cấp giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, nhưng chủ đầu tư đã khai thác, vận chuyển vật liệu san lấp ra ngoài phạm vi công trình. Dự án nạo vét lòng hồ chứa nước Suối Nhum thuộc huyện Tân Thành được cấp phép khai thác tận thu khoáng sản, với thời gian hoạt động 5 năm và chỉ được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm nhưng thực tế chủ đầu tư đã làm khác đi.
Còn tại dự án Vũng Tàu Regency thuộc phường 10 và 11 TP Vũng Tàu do Công ty Vượng Thành – Trùng Dương, khi công ty đang thi công hạ tầng kỹ thuật, san nền, đồng thời hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép thì gặp vướng mắc về xử lý đồi cát. Công ty này đã đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các ngành chức năng cho phép được di dời đồi cát sang vị trí quy hoạch chi tiết 1/500 đã được duyệt, đồng thời cam kết mua thêm cát và không mang cát ra khỏi phạm vi dự án. Đề nghị này chưa được chấp thuận thì phía công ty đã tự ý san gạt đồi cát.
Cát vẫn đưa ra ngoài phạm vi dự án hồ Bút Thiền. |
Ông Vũ Đặng Dũng, Chánh thanh tra Sở xây dựng tỉnh BR-VT nói: “Đúng ra Sở Tài nguyên- Môi trường phải phạt chứ không phải bên Sở Xây dựng, ngay cả Sở Xây dựng cũng đã có văn bản yêu cầu không san gạt đồi cát, chỉ được san gạt khi Sở Tài nguyên cho phép, mà hiện nay sở này cũng chưa cấp phép, trong quy hoạch cũng không cho san gạt. Mà để đồi cát thì không triển khai dự án được”.
Theo ông Nguyễn Trung Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND phường 10, TP Vũng Tàu, việc Công ty Vượng Thành – Trùng Dương sau khi san gạt sẽ thực hiện bơm cát từ ngoài vào cũng phải được giám sát của các lực lượng chức năng, việc này UBND phường không thể quản lý hết được, ông Nghiệp nói: “Vấn đề ở đây phải bắt quả tang, bắt được thì chỉ có Biên phòng mới có phương tiện để bắt, mấy anh em ở phường chỉ ghi nhận nhận hiện trạng như thế, cứ thấy hoạt động là lực lượng bắt dừng lại thôi. Quản lý địa bàn UBND phường là quản lý chung, còn theo chuyên ngành lĩnh vực thì có cơ quan tham mưu giúp việc cho UBND, vấn đề là phải bắt được”.
Có thể thấy, chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian qua vẫn còn buông lỏng trong quản lý, giám sát việc nạo vét, san gạt, vận chuyển khoáng sản, dẫn đến doanh nghiệp thi công sai phạm tại công trình gây bức xúc trong dư luận.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần tăng cường quản lý và mạnh tay hơn trong việc xử lý các doanh nghiệp tự ý vận chuyển khoáng sản ra khỏi phạm vi công trình khi chưa có sự đồng ý của ngành chức năng, có như thế tài nguyên và nguồn thu mới không bị thất thoát, lãng phí./.