Chùa Thầy miễn phí vé tham quan nhân dịp khai hội 2019
Mùa lễ hội chùa Thầy năm 2019 bắt đầu từ tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch, trong đó trọng tâm là khai hội Chùa Thầy 2019. Trong ngày đầu khai hội, đông đảo du khách thập phương, tăng ni, phật tử về đây dự hội.
Lễ hội Chùa Thầy từ xa xưa đã nổi tiếng được nhiều người biết đến là một địa danh nổi tiếng của mảnh đất xứ Đoài, hàng năm có hàng vạn du khách từ khắp nơi trong cả nước về Chùa Thầy. Trong tâm thức của nhiều người, hội Chùa Thầy là một niềm ao ước được thưởng thức cảnh đẹp, được hòa mình vào dòng người trẩy hội.
Trong ba ngày diễn ra lễ hội từ ngày 9 – 11/4 (tức mùng 5 – 7 tháng Ba âm lịch), Ban tổ chức lễ hội sẽ không thu vé thắng cảnh tham quan di tích chùa Thầy, tạo điều kiện cho du khách đến hành lễ và tham quan. Mùa lễ hội năm nay, Ban tổ chức kỳ vọng thu hút 15 vạn du khách.
Khai hội Chùa Thầy 2019. |
Phát biểu khai hội chùa Thầy, ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết, huyện Quốc Oai tổ chức khai hội chùa Thầy năm 2019 nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của quần thể di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy. Qua đó nhằm nâng cao trách nhiệm trong việc bảo quản, giữ gìn di tích đối với toàn thể người dân địa phương, giữ gìn nguyên bản giá trị của di tích đến muôn đời sau.
Ông Nguyễn Đạt Thuyên, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Quốc Oai đánh trống khai hội. |
Lễ hội chùa Thầy vẫn gồm 2 phần lễ và hội, năm nay Ban tổ chức sẽ bổ sung nhiều điểm mới.
Trên cơ sở tham vấn các nhà nghiên cứu, huyện Quốc Oai đã khôi phục trang phục tế lễ truyền thống cho các cụ cao niên của 4 thôn. Toàn bộ các đội rước sẽ sử dụng thống nhất các mẫu trang phục theo từng vai vế quy định của từng thôn. Đây được xem là điểm mới nhất của phần lễ năm nay.
Trong phần hội, bên cạnh trình diễn múa rối nước trong suốt 3 ngày, các trò chơi dân gian truyền thống tiếp tục được tổ chức đan xen ở khu vực sân trung tâm trước hồ Long Trì và chùa Long Đẩu.
Các tiết mục múa rối nước sẽ được trình diễn trong 3 ngày chính hội. |
Quần thể di tích và danh thắng chùa Thầy nổi tiếng với nhiều điểm tham quan, nhưng giá trị kiến trúc nổi bật nhất nằm ở 3 tòa của chùa Cả với những dấu ấn đặc trưng của kiến trúc thế kỷ XVII. Đặc biệt, tại gian giữa của tòa Điện Thánh (chùa Thượng) còn lưu giữ được 3 pho tượng Di đà tam tôn bằng gỗ mít có từ thời nhà Lê (thế kỷ XVI).
Với những giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc còn được bảo lưu nguyên vẹn, năm 2014, chùa Thầy cùng dãy núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 2015, 3 pho tượng Di đà tam tôn được Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia./.