Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước tới Italia
Nhận lời mời của Tổng thống Italia Sergio Matarela, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn cấp cao nước ta hôm nay lên đường thăm cấp nhà nước tới Italia, thăm Tòa thánh Vatican từ ngày 21 đến 25/11/2016.
Đây là chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt trong việc củng cố mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Italia.
Nằm ở phía Nam châu Âu, Italia là một quốc gia có lịch sử lâu đời, gắn liền với lịch sử La Mã cổ đại. Hiện nay, nền kinh tế đa dạng với nhiều ngành công nghiệp tiên tiến, Italia đang đứng hàng thứ 9 trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Brazil và Nga. Chính sách thương mại của Italia gắn liền với các chính sách kinh tế và thương mại của Liên minh châu Âu (EU).
Ngoài các đối tác truyền thống như các thành viên EU, Mỹ và các quốc gia thuộc khu vực Địa Trung Hải, Italia đang tập trung đẩy mạnh hợp tác, trao đổi thương mại với các nền kinh tế mới nổi của châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ và các nước ASEAN.
Việt Nam và Italia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/3/1973. Quan hệ chính trị giữa hai nước từ đầu những năm 90 được củng cố và phát triển rõ nét. Italia là nước Tây Âu đầu tiên tích cực ủng hộ việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, trên các diễn đàn quốc tế lớn cũng như việc bình thường hoá quan hệ giữa Việt Nam và các tổ chức tài chính, thương mại, tiền tệ quốc tế đầu những năm 1990.
Trong các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao Italia khẳng định quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là nước ưu tiên phát triển quan hệ ở khu vực Đông Nam Á và là điểm đến của các doanh nghiệp Italia từ nay cho đến 2020.
Đầu năm 2013, hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Italia. Tháng 9/2013, hai nước tiếp tục phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai Đối tác chiến lược giai đoạn 2013-2014 nhân chuyến thăm Italia của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Italia những năm qua tiếp tục được củng cố và tăng cường trên các phương diện, trong đó có việc duy trì thường xuyên các chuyến thăm và trao đổi đoàn cấp cao. Ngoài chuyến thăm tới Italia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 1/2013 và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào tháng 9/2013, còn có chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vào tháng 3/2014, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân vào tháng 7/2015.
Về phía Italia, các đoàn đại biểu sang thăm Việt Nam lần lượt có Bộ trưởng Quốc phòng Giampaolo di Paola vào tháng 1/2013, Phó Chủ tịch Hạ viện Marina Sereni vào tháng 1/2014, Thủ tướng Matteo Renzi vào tháng 6/2014 và cựu Thủ tướng Enrico Letta vào tháng 1/2015.
Trong hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư, kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều trong những năm qua. Nếu như năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Italia đạt 3,3 tỷ USD, đến năm 2015 đạt 4,3 tỷ USD.
Đến nay, Italia có 77 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn là 360 triệu USD, đứng thứ 31/112 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các lĩnh vực Italia đầu tư vào Việt Nam chủ yếu trong các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo, giày da, xây dựng, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh, chế biến thép. Đặc biệt, Chính phủ Italia đưa Việt Nam vào danh sách 10 thị trường mới nổi ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư.
Bên cạnh đó, Hợp tác văn hóa và giáo dục giữa Việt Nam - Italia có những bước phát triển ổn định và vững chắc. Hàng năm, Bộ Ngoại giao Italia đều dành cho Việt Nam một số học bổng đào tạo cử nhân và cao học tiếng Italia. Chính phủ Italia đã phối hợp với UNESCO giúp đỡ Việt Nam trùng tu Khu di tích Mỹ Sơn với tổng kinh phí trên 435.000 USD. Ngoài ra, các bên cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tuần lễ, tháng văn hóa để mở rộng giao lưu, tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Italia đang ngày càng phát triển trong bối cảnh quan hệ hai nước đã được nâng lên tầm quan hệ đối tác chiến lược. Đồng thời, hai nước đều là những thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc, của các tổ chức liên kết chính trị và khu vực năng động, các đối tác tin cậy trong khuôn khổ các Hiệp định và Thỏa thuận hợp tác đa phương cũng như tự do hóa thương mại.
Cả hai nước, hai dân tộc đều có những điểm tương đồng sâu sắc về văn hóa và khát vọng yêu hòa bình. Đây là những nhân tố quan trọng và hiệu quả để đưa mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị và đối tác chiến lược giữa hai dân tộc, hai nước lên một tầm cao mới./.