Chủ tịch nước: “Chỉ đạo Hà Nội rút kinh nghiệm toàn diện vụ Đồng Tâm“
Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, chiều nay (26/4), tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh tiếp xúc cử tri quận 1, quận 3 và quận 4.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ vui mừng trước những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội khóa XIV như công tác xây dựng Luật, phần chất vấn và trả lời chất vấn đã được thực hiện một cách hiệu quả, việc tiếp xúc cử tri ngày càng đi vào thực chất… Cử tri bày tỏ niềm tin các đại biểu Quốc hội của thành phố sẽ phát huy hết tinh thần trách nhiệm, truyền tải những nguyện vọng chính đáng của cử tri đến diễn đàn Quốc hội.
Cử tri mong muốn hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, nhất là nâng cao chất lượng việc giám sát tối cao. Cử tri kiến nghị nhiều ý kiến tâm huyết như: Quốc hội cần làm Luật chặt chẽ, tránh sửa đổi bổ sung nhiều lần, nâng cao trách nhiệm công vụ, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Cử tri cũng bày tỏ lo lắng về các vấn đề gắn liền với dân sinh như: ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông,…
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1, 3 và 4. (Ảnh: Hoàng Triều/VNE) |
Đóng góp ý kiến về xây dựng Luật phòng, chống tham nhũng, ông Lê Vinh Số, cử tri phường Cầu Kho, quận 1 cho rằng, trong Luật phòng, chống tham nhũng còn có nhiều kẽ hở để tạo điều kiện cho các đối tượng tham nhũng lách luật và khó có thể xử phạt.
"Tôi đề nghị việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng phải triệt để hơn, chặt chẽ hơn và tính hiệu lực cao hơn cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Ví dụ như trong điều 11, đọc lại tôi thấy không trúng, tạo kẽ hở. Cho nên cần nghiên cứu như thế nào cho ngắn gọn, chặt chẽ hơn và đủ sức răn đe để đảm bảo cho công tác phòng, chống tham nhũng được tốt hơn” - ông Số kiến nghị.
Ông Nguyễn Hữu Châu, cử tri phường 7, quận 3 nêu vấn đề về thực trạng vi phạm kỷ cương, pháp luật, kỷ luật hành chính của cán bộ các cấp. Dư luận lâu nay bức xúc tình trạng thiếu chấp hành kỷ luật, kỷ cương pháp luật, lạm quyền vì lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ, đặc biệt việc “Trên bảo dưới không nghe” đã dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với kỷ cương, pháp luật và tính liêm chính của chính quyền các cấp.
Dẫn chứng vụ việc xảy ra ở xã Đồng Tâm vừa qua, ông Nguyễn Hữu Châu nêu ý kiến: “Đề nghị các đại biểu Quốc hội cần tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật, có cơ chế giám sát quy trình quy hoạch và thực hiện các dự án lớn tác động rộng rãi đến đời sống kinh tế xã hội nhằm bảo vệ lợi ích lâu dài của đất nước và nhân dân. Không chỉ những dự án lớn đầu tư từ ngân sách nhà nước thì Quốc hội mới phải xem xét. Với những vụ việc gây ô nhiễm của công ty Fomosa ở 4 tỉnh miền Trung, vụ việc ở Đồng Tâm cho thấy Quốc hội phải tăng cường giám sát pháp luật thực hiện các dự án lớn, kể cả dự án không đầu tư từ nguồn ngân sách nhưng ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống dân sinh. Đây chính là việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của cử tri tập trung vào các vấn đề như như liên quan đến việc xây dựng Luật và Pháp lệnh, việc thực hiện chính sách pháp luật với người có công, các biện pháp nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật của người dân…
Ghi nhận các ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh, cảm ơn cử tri luôn quan tâm đến hoạt động của Quốc hội, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, hiến kế quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo, điều hành ở các cấp.
Chủ tịch nước hoan nghênh các cử tri đóng góp nhiều ý kiến về hình thức tiếp xúc cử tri như thế nào cho hiệu quả và cho biết, trong đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra là phải luôn linh hoạt trong việc tiếp xúc cử tri. Trong đó đặt ra vấn đề làm sao phải thường xuyên duy trì mối liên hệ với cử tri để lắng nghe đầy đủ ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Qua đó làm tròn trách nhiệm của Đảng và Nhân dân giao cho.
Liên quan đến chương trình xây dựng Luật và dự án Luật, Chủ tịch nước cho rằng đây là những ý kiến rất tâm huyết, nhiều ý kiến đóng góp cụ thể vào các dự án Luật rất sâu sắc.
“Chúng ta là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, quản lý nhà nước bằng pháp luật với tinh thần thượng tôn pháp luật, chính vì thế chúng ta phải khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực. Chính vì thế việc xây dựng pháp luật cũng phải căn cứ vào từng nhiệm kỳ để xây dựng cho phù hợp, nếu đề ra nhiều mà khi không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng đến quá trình thực thi pháp luật” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tranh chấp trong đó rút kinh nghiệm xảy ra ở vụ Đồng Tâm vừa qua, Chủ tịch nước chia sẻ với nhiều ý kiến của các cử tri khi cho rằng tình hình khiếu kiện liên quan đến đất đai xảy ra ở nhiều địa phương và đây cũng là vấn đề được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm.
"Chúng tôi đang chỉ đạo thành phố Hà Nội sẽ rút kinh nghiệm toàn diện vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm. Nhưng liên quan đến vụ việc này tôi cho rằng chúng ta phải nắm chắc tình hình, phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao có tình trạng đó. Từ đó có những biện pháp giải quyết có tình, có lý. Muốn vậy chúng ta phải lắng nghe ý kiến của nhân dân và chúng ta phải giải thích cho dân hiểu được những chủ trương, chính sách của Nhà nước để tạo được sự đồng thuận” - Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng dành nhiều thời gian thông tin về công tác phòng chống tham nhũng. Theo Chủ tịch nước, thời gian qua phòng, chống tham nhũng đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, còn nhiều việc chưa đạt được so với yêu cầu, so với mục tiêu, so với mong mỏi của đồng chí đồng bào.
Xác định đây là cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Trên tinh thần đó Chủ tịch nước mong tất cả mọi người, nhất là các đảng viên cần tích cực tham gia vào đấu tranh, phát hiện, kiến nghị cơ quan chức năng điều tra, truy tố, xét xử, trừng trị đối tượng tham nhũng./.