“Chảy máu chất xám” từ bậc… phổ thông
Trường học rơi rụng học sinh
Trong một tọa đàm về giáo dục, hiệu trưởng một Trường THPT có tiếng đóng ở quận 3, TPHCM khổ tâm kể cứ sau một học kỳ là có thể học sinh (HS) ở trường "hụt" mất 2 - 3 lớp vì các em đi du học.
Có em đi theo diện học bổng, có em tự túc, nhà trường vừa mừng khi các em có thêm cơ hội để phát triển bản thân nhưng đau đầu vì kế hoạch, tổ chức trường học bị xáo trộn khi thiếu HS, phải dồn lớp. Có những lớp các em đi du học đến gần nửa lớp.
Đã như "đến hẹn lại lên", nhiều năm qua, giữa năm học, TPHCM lại ráo riết tuyển bổ sung trăm HS vào lớp 10 chuyên cho nhiều trường. Lý do hàng đầu phải kể đến là nguồn lực ở trường chuyên đã "chảy máu chất xám" ra nước ngoài qua con đường du học.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, HS ở một số trường trọng điểm, điểm đầu vào cao ở TPHCM có nhu cầu đi học rất lớn. Nhất là khi hết lớp 10 hoặc hết kỳ 1 của lớp 11 là các em đi du học do đây là thời điểm phù hợp với trạng thái sức khỏe, tâm lý, sự chuẩn bị của các em.
Theo ông Hiếu, vấn đề này thành phố đã lường trước nên hàng năm, khi giao chỉ tiêu cho các trường điểm thường có dư để "bù" việc thiếu hụt này, ngoài ra cũng tiến hành tuyển bổ sung HS theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
Việc này, có mặt tích cực là tạo thêm cơ hội cho HS có học lực tốt nhưng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chưa đạt kết quả như nguyện vọng.
Vui nhưng "chạnh lòng"
Hiện nay, TPHCM có nhiều chương trình hợp tác với các nước giới thiệu các chương trình du học, học bổng đến HS phổ thông. Cùng với nhiều kênh tiếp cận, HS Việt Nam ngày càng có nhiều cơ hội để chạm đến giấc mơ du học. Không chỉ bằng học bổng, nhiều gia đình có nguồn lực tài chính, cũng chờ con đến ngưỡng THPT là tìm đường cho con ra nước ngoài du học.
Một khảo sát ở TPHCM đã chỉ ra, có đến 60% HS-SV mong muốn đi du học và khao khát này ngày càng có xu hướng lớn hơn và trẻ hóa.
Một vị hiệu trưởng ở Q.1, TPHCM chia sẻ, HS đi du học thì thầy cô cũng vui khi các em sẽ có nhiều cơ hội để phát triển triển, khám phá, chinh phục đỉnh cao tri thức mới, mở mang tư duy... Nhưng xét một góc độ nào đó thì quả thật là có chút chạnh lòng và trăn trở khi biết rằng mình không thể níu chân các em, chưa thể trao cho các em môi trường giáo dục tốt nhất.
Sau kỳ thi lớp 10, nhiều học sinh ở TPHCM lên kế hoạch đi du học (Ảnh minh họa) |
Bà cho biết, không chỉ chờ đến cấp 3, mà hiện nay, ngay từ rất sớm nhiều gia đình đã lên kế hoạch, dự định cho con đi du học... ở cấp 1. Theo bà đó không chỉ là cơ hội, là mong muốn mà phải nhắc đến cụm từ đau lòng là "tị nạn giáo dục". Cần nhìn thẳng, điều này còn phản ánh sự mất niềm tin của phụ huynh, HS đối với giáo dục trong nước với những tồn tại, tiêu cực.
Theo báo cáo hàng năm Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), số lượng du HS Việt Nam tại Hoa Kỳ tăng năm thứ 17 liên tiếp. Báo cáo chỉ ra rằng, trong năm học 2017 - 2018, Việt Nam tiếp tục đứng thứ sáu trong danh sách những nước dẫn đầu về số lượng SV du học tại Hoa Kỳ, với 24.325 sinh viên, tăng 8,4%. SV Việt Nam đóng góp 881 triệu USD cho nền kinh tế Hoa Kỳ.
Những năm gần đây, số lượng du HS Việt Nam tăng vọt so với cách đây khoảng 10 năm và tập trung nhiều nhất ở Mỹ, Australia, Anh, Canada, Nhật Bản… Ở phân khúc thị phần nhỏ hơn, các nước châu Âu như Đức, Phần Lan, Hà Lan… cũng gia tăng số lượng du HS Việt Nam do chi phí học tập ở mức vừa phải.
Trong lần chia sẻ về SV Việt Nam đi du học, bà Tôn Nữ Thị Ninh, Cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên minh Châu Âu bộc bạch, việc mọi người chọn du học, nghiên cứu ở nước sau khi tốt nghiệp ĐH là điều dễ hiểu, đáng kích lệ. Còn HS có xu hướng đi du học ngay từ ở bậc phổ thông lại là một vấn khác, chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về chất lượng, môi trường giáo dục trong nước.