Cha mẹ càng “bao bọc”, trẻ càng khó phát triển
Cậu bé Marko (sống tại Đông Bắc bang Gallen – khu vực nói tiếng Đức, Thụy Sĩ) đã không thể tự làm mọi việc và sau khi được kiểm tra, đánh giá, các nhà tâm lý học xác định cậu bé bị rối loạn phát triển.
Các nhà tâm lý học khẳng định cha mẹ của cậu bé 7 tuổi này đã loại bỏ tất cả “các chướng ngại vật” và “cách ly” cậu bé khỏi tất cả những trải nghiệm học tập hàng ngày như học cách chơi với trẻ khác.
Các chuyên gia cho biết cậu bé đã không thể thích nghi được trong môi trường trường học bình thường do hậu quả của cuộc sống được bao bọc, nuông chiều.
Tuy nhiên, bố mẹ của Marko đã bác bỏ kết luận trên của các nhà tâm lý học và tuyên bố rằng con trai của họ có một tuổi thơ “hoàn toàn bình thường”.
Lo sợ việc học tập ở một trường học đặc biệt có thể gây hại cho sự phát triển của con trai, cặp vợ chồng này đã đệ đơn lên Toà dân sự liên bang tại Lausanne, nhưng phán quyết ban đầu được giữ nguyên.
Hiện tại, họ định đệ đơn lên Toà án Nhân quyền Châu Âu.
Phán quyết của toà án được đưa ra ngay sau khi công bố báo cáo của Quỹ Trẻ em Thuỵ Sĩ Pro Juventure, trong đó tiết lộ phần lớn trẻ em Thuỵ Sĩ dành rất ít hoặc không có thời gian chơi ngoài trời mà không có người giám sát.
Trong khi trẻ em của những năm 1970 dành rất nhiều thời gian chơi ngoài trời và hoạt động 3-4 tiếng/ngày, tình trạng này ngày nay được đánh giá là rất nghiêm trọng.
Trung bình, trẻ em ở khu vực Thuỵ Sĩ nói tiếng Đức chỉ dành 32 phút/ngày để chơi ngoài trời không có người giám sát, trong khi những trẻ ở khu vực nói tiếng Pháp chỉ dành 20 phút.
Các nhà nghiên cứu ĐH Fribourg đã thực hiện nghiên cứu này trên 649 trẻ và thấy rằng 1/3 trẻ không được phép chơi ngoài trời mà không có người lớn giám sát và 15% hoàn toàn không được chơi ngoài trời.
Urs Kiener, Pro Juventute cho biết: “Hoạt động ngoài trời và vui chơi tự do có lợi cho sức khoẻ thể chất cũng như tinh thần, sự phát triển ngôn ngữ, cảm xúc và hành vi xã hội của trẻ”.