Cậu bé 10 tuổi hồi sinh nhờ lá gan của mẹ
Tình mẹ bao la
Gần 10 năm trước, bé Dương Gia Khiêm, ngụ tại Bạc Liêu chào đời trong gia đình bần nông. Không may mắn như những trẻ khác, sau khi lọt lòng mẹ, Gia Khiêm bị vàng da, vàng mắt kéo dài, cơ thể chậm phát triển nhưng bệnh viện địa phương không tìm ra bệnh.
Hơn 3 tháng tuổi, gia đình buộc phải chuyển bệnh nhi lên TPHCM điều trị. Các bác sĩ thăm khám và kết luận Gia Khiêm mắc bệnh lý teo đường mật bẩm sinh. Ngay sau đó, cậu bé được thực hiện phẫu thuật Kasai (nối gan – hỗng tràng) để ngăn chặn tình trạng suy gan, kéo dài sự sống.
Bé Gia Khiêm cùng mẹ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 |
Sau cuộc mổ, đường mật bệnh nhi được khơi thông, không còn tắc hoàn toàn. Tuy nhiên, gan của bé mỗi ngày một to dần do tăng áp tĩnh mạch cửa, giãn tĩnh mạch thực quản. Chức năng tiêu hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiểu cầu giảm khiến lách ngày càng phát triển lớn.
Chị Phạm Thủy Tiên (40 tuổi, mẹ bệnh nhân) nghẹn ngào: Năm Gia Khiêm lên 2 tuổi, bé bị ói ra máu, không cầm được, tôi tưởng mình đã vĩnh viễn mất con. May mắn được các bác sĩ cấp cứu rồi chuyển lên bệnh viện thành phố, bé mới qua được nguy kịch. Cũng trong giai đoạn đó, con tôi được bác sĩ khám và cho biết tình trạng suy gan của bé bắt đầu diễn tiến mỗi ngày một nặng. Năm 2016, Gia Khiêm tiếp tục xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, tình trạng xơ gan diễn tiến nặng nếu không ghép sẽ tử vong bất kỳ lúc nào”.
Xót xa trước nỗi đau con trai phải chịu đựng, người mẹ quyết tâm tìm cơ hội sống cho con. Chị cho hay: “Gia đình tôi khó khăn không đủ chi phí hơn 500 triệu đồng cho cuộc ghép, nhưng nếu không ghép thằng bé sẽ chết. Để có thể thực hiện cuộc ghép, vợ chồng tôi đã vay mượn tiền từ anh em, bà con. Khi biết tôi sẽ cho Gia Khiêm một lá gan của mình, nhiều người can ngăn vì cho rằng cả hai mẹ con tôi có thể chết. Chỉ cần con có cơ hội được sống, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro kể cả sinh mạng của mình”.
Ca ghép nhiều khó khăn
Cuối tháng 3/2017, Bệnh viện Nhi Đồng 2 hoàn tất công đoạn chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật ghép gan trên bệnh nhi thứ 11 tại bệnh viện. Trao đổi với phóng viên, GS Trần Đông A - chuyên gia đầu ngành ghép tạng ở trẻ em, cố vấn ê kíp phẫu thuật cho hay: “Khác với những bệnh nhi trước thực hiện cuộc ghép khoảng 2 tuổi, bệnh nhi này đã 10 tuổi nên cuộc phẫu thuật diễn ra khó khăn hơn. Bệnh nhi cần khối găn lớn hơn cho cuộc ghép, thêm vào đó, cháu còn bị tình trạng giảm tiểu cầu nặng và một số di chứng dính ruột, gan sau mổ Kasai trước đây”.
Các bác sĩ đã thực hiện thành công cuộc ghép nhiều khó khăn |
Suốt gần 12 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt toàn bộ lá gan bên trái của người mẹ, ghép thành công vào cơ thể bệnh nhi. Tuy nhiên, sau ghép bệnh nhi bị vàng mắt, vàng da do tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa gây chèn ép đường mật của phần gan được ghép từ người mẹ. Bên cạnh đó, bệnh nhi còn bị tràn dịch dưỡng trấp do tổn thương mạch treo, cuộc ghép đối mặt với nguy cơ thất bại trong quá trình hậu phẫu.
Trước những nguy cơ có thể xảy đến, các bác sĩ đã túc trực, theo dõi sát mọi diễn biến sức khỏe của bệnh nhi, tiến hành điều trị tích cực về chuyên môn. Qua siêu âm liên tục mỗi ngày ghi nhận, đường mật của bệnh nhân may mắn không bị tắc mà chỉ bị chèn ép. Sau 20 ngày chăm sóc tích cực, các chỉ số sinh hiệu của bệnh nhi dần trở lại mức bình thường. Ngày 17/4, tại khoa Hồi sức, cậu bé đã ăn uống tốt, đi lại bình thường, người mẹ cũng ổn định sức khỏe.
Từ thành công của ca ghép GS Trần Đông A chia sẻ: Bệnh viện Nhi Đồng 2, hiện đang chăm sóc cho khoảng 200 bệnh nhi bị xơ gan do bệnh lý teo đường mật bâm sinh, các bé đều có nhu cầu được ghép gan để kéo dài sự sống. Hiện kỹ thuật ghép của Việt Nam không thua kém quốc tế, song chúng ta đang gặp nhiều khó khăn bởi nguồn gan nói riêng và tạng hiến nói chung rất khan hiếm. Thêm vào đó, cuộc ghép cần phải phẫu thuật cắt gan từ người cho để ghép vào người nhận nhưng hiện nay bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho cuộc mổ lấy tạng. GS Trần Đông A cho rằng để trẻ bị suy gan nói riêng và suy tạng nói chung có thêm nguồn tạng ghép, ở góc độ pháp lý cần phải bỏ quy định cấm trẻ dưới 18 tuổi hiến tạng khi chết não. Bên cạnh đó, bảo hiểm y tế cần phải xem xét thanh toán chi phí cho cuộc phẫu thuật lấy tạng và chi phí hậu phẫu mới có thể khuyến khích được cộng đồng hiến tạng cứu người. |