Cấp phép cho Quốc ca: Hỗn xược với pháp quyền
Sự việc ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn ra các quyết định cấp phép cho Quốc ca, các bài hát được lưu hành, sau liên tiếp các tai tiếng, về bản chất, đó có thể được hiểu là một hành động hỗn xược với pháp quyền.
Ngôn sử kể rằng, ngày xửa ngày xưa, ở một vương quốc nọ, có gã ngạo chúa bắt tất cả thần dân của mình nếu sinh con, đặt tên phải được phép của triều đình. Cả xứ sở đó có cả triệu thần dân, công việc của triều chính cứ thế ngày qua ngày cứ chỉ luẩn quẩn với việc cấp… tên, những việc khác trở nên bê trễ. Rồi từ đó, nạn quan liêu, nhũng lạm, vòi vĩnh ra đời. Ai muốn được cấp tên nhanh, tên đẹp, đều phải chạy chọt… Dân chúng trong vương quốc khốn đốn vô cùng.
Câu chuyện của ông Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương bất chấp dư luận, cấp phép cho các bài hát, ca khúc của công chúng, làm người ta nghĩ đến tên ngạo chúa đó
Tiến quân ca - Quốc ca của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng vừa mới được Cục NTBD cập nhật vào danh mục các ca khúc phổ biến rộng rãi |
Trong khi những người đứng đầu Chính phủ đang nỗ lực xây dựng "Nhà nước kiến tạo", tìm cách để giảm bớt các thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa các giấy phép con, tạo điều kiện thuận lợi, khơi thông các dòng sáng tạo… thì những hành động của Cục trưởng Chương là lạ lẫm và vô lối, đi ngược lại với ý chí phát triển của đất nước.
Một Nhà nước kiến tạo, cần khơi thông các nguồn lực bị dồn ứ trong xã hội, trong đó có việc sáng tạo. Trong nền kinh tế tri thức, các sáng tạo văn học nghệ thuật là một động lực lớn để thúc đẩy tiến bộ xã hội. Nhưng việc ra các chính sách quản trị yếu kém, liên tục và liên tiếp trong một thời gian ngắn, đã thể hiện sự yếu kém về năng lực của vị này.
Ông Chương và Cục của ông hình như không nắm rõ về thuật chính sách công - thứ mà những người ở vị trí của ông ắt phải nắm rõ như thuộc lòng trong bàn tay.
Chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, nơi mà người dân được phép làm bất cứ việc gì pháp luật không cấm, tuy nhiên những hành động của Cục Nghệ thuật Biểu diễn đang đi ngược lại với tinh thần này.
Bài “Tiến quân ca" của cố nhạc sĩ Văn Cao là một tác phẩm được Hiến pháp - bộ luật cao nhất của quốc gia - quy định là Quốc ca của Việt Nam, vậy mà ông Cục trưởng đi cấp phép cho một bản Quốc ca. Về bản chất, đó là một thái độ ngạo mạn và hỗn xược với pháp quyền.
Việc duy ý chí, khăng khăng đòi cấp phép cho các bài hát, chẳng khác nào việc ông ngạo chúa trong câu chuyện cổ tích ở trên đã cố gắng cấp tên cho dân chúng của mình. Vô lối và nực cười! Hay nói như PGS, TS. Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương: Đó chẳng khác nào việc "ngồi đếm dã tràng trên bờ cát".
Không có cách nào làm mất uy tín của cơ quan nhà nước như hành động vô lối của ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Qua câu chuyện này, người ta đặt lại câu hỏi về chất lượng nhân sự trong lĩnh vực công. Vì sao một người có cách quản lý vô lối, thiếu hiểu biết cả về các thuật quản trị cơ bản, lại được đặt vào một ví trí quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa văn nghệ của một quốc gia?!
Một diễn viên có thể xuất sắc trên sân khấu, nhưng chẳng lấy gì đảm bảo đó là một quan chức xuất sắc. Trên sân khấu diễn sai có thể chỉ ảnh hưởng đến chất lượng vở diễn, nhưng trong công vụ, một chính sách sai có thể gây ra những thiệt hại khó thể đo lường. Đúc kết về thuật quản trị nhân sự, tục ngữ Việt Nam có câu "Thánh thiêng nhờ bộ hạ", nhưng với những "bộ hạ" chỉ ở tầm mức của bộ hạ, "thánh" sao có thể thiêng?!
Tối 23.5, trong chương trình Thời sự của Đài THVN, trước báo chí và công luận, thay vì những lời xin lỗi nghiêm túc, chân thành, Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương còn trơ tráo đổ lỗi cho khâu kỹ thuật. Đúng là vừa không có năng lực, trình độ, lại vừa không có liêm sỉ!./.