Cần gỡ khó cấp căn cước công dân vùng dân tộc, miền núi
Người dân được tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể về việc kê khai dữ liệu từ trước nên việc làm thủ tục rất nhanh. |
Mới đầu giờ sáng, nhưng đã có rất nhiều người dân đến hội trường của UBND xã Tràng Xá để làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân. Do người dân được tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể về việc kê khai dữ liệu từ trước nên việc làm thủ tục rất nhanh.
Ông Triệu Khắc Tĩnh, xóm Đồng Ruộng, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai chia sẻ: "Tinh thần hôm nay rất vui, công tác tổ chức tốt".
Bà Nông Thị Dinh, Làng Đèn, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai cho hay: "Thủ tục nghiêm chỉnh, các cán bộ rất nhiệt tình".
Do đặc thù ở các xã miền núi, vùng cao, nhân dân sống không tập trung, việc đi lại còn gặp nhiều khó khăn, hơn nữa nhận thức của người dân còn hạn chế. Chính vì vậy, trước khi tổ chức cấp căn cước cho công dân, Công an các huyện đã có sự phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương trong việc xây dựng dữ liệu và phương án cấp đổi căn cước công dân, nhưng khi triển khai vẫn gặp phải những khó khăn phát sinh.
Thiếu tá Lục Việt Hưng, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Võ Nhai thông tin: "Khó khăn nhất là khâu lăn tay, nhất là đối với người già ở các xã vùng sâu, vùng xa, những người đi làm nương rẫy trên tay có nhựa bám, mất vân tay là những trường hợp sẽ phải lăn nhiều lần".
Trung tá Hà Đức Chính, Phó Trưởng Công an huyện Định Hóa cho biết: "Địa bàn xa xôi, dân cư thưa thớt, rừng núi, nên đến khoảng 9-10 giờ tối, người dân không đến để làm vì đường sá đi lại rất khó khăn".
Huyện Định Hóa có hơn 9.000 công dân là dân tộc San Chí và Sán Chí, nhưng lại không có tên trong danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam theo Quyết định số 121 của Tổng cục Thống kê ban hành ngày 02/03/1979. |
Với huyện miền núi Định Hóa thì một khó khăn nữa khiến việc cấp đổi căn cước công dân khó hoàn thành theo kế hoạch được, đó là huyện có hơn 9.000 công dân là dân tộc San Chí và Sán Chí nhưng lại không có tên trong danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam theo Quyết định số 121 của Tổng cục Thống kê ban hành ngày 02/03/1979.
Bà La Thị Ngọ, xóm Khau Lang, xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa cho hay: "Bây giờ, chúng tôi băn khoăn là mọi người được làm căn cước nhưng mình thì chưa, chưa có trong nhóm San Chí".
Ông Lý Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết thêm: "Quá trình chỉ đạo triển khai thực hiện thì hiện nay có một số vướng mắc: Từ việc đăng ký khai sinh cho các cháu thuộc dân tộc San Chí, việc cấp thẻ bảo hiểm y tế theo bảo hiểm y tế số, thẻ căn cước cũng đang vướng mắc".
Đến thời điểm này, huyện Định Hóa đã làm thủ tục cấp đổi cho hơn 24.000 công dân, đạt gần 30% kế hoạch. Con số này đối với huyện vùng cao Võ Nhai là trên 30%.
Hiện nay, khi tổ chức làm thủ tục cấp đổi căn cước công dân, bộ phận nghiệp vụ luôn xác định khẩn trương làm trong ngày làm việc, không tính giờ, thậm chí ăn cơm cũng không rõ bữa, cứ có công dân đến là làm thủ tục cấp đổi trong thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên, mục tiêu đề ra là cấp đổi căn cước cho công dân ở mức tối đa có thể, còn theo kế hoạch chỉ đạo là xong trước ngày 1/7 năm nay đối với 2 huyện Định Hóa và Võ Nhai đang có dấu hiệu rất khó hoàn thành./.